Đến nay, sau gần 1,5 năm triển khai, hiệu quả mang lại là rất tích cực.
Đến nay, sau gần 1,5 năm triển khai, hiệu quả mang lại là rất tích cực.
Lần đầu thoát nghèo Nằm giữa thôn Vao, xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), căn nhà nơi gia đình anh Đặng Văn Ân sinh sống cũng tuềnh toàng như bao hộ nghèo khác nơi đây. Thu nhập của vợ chồng anh trông cả vào mấy sào ruộng. Một năm canh tác 2 vụ lúa, nhưng gieo cấy phụ thuộc nước trời, năm được mùa, năm lại thất thu. Ngày đó, danh sách hộ nghèo của xã Yên Bình dường như quá quen với sự hiện diện của hộ gia đình anh Ân.
Mô hình nuôi dê tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trọng Tùng |
Ấy thế nhưng đó đã là câu chuyện của hơn một năm trước. Tháng 9/2016, vợ chồng anh Ân vui mừng đón nhận 7 con dê (6 cái, 1 đực) từ mô hình thí điểm “Chăn nuôi dê sinh sản” do Trung tâm Khuyến nông triển khai trên địa bàn. Không chỉ được nhận dê miễn phí, anh Ân còn được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn dê. Đến nay, từ 7 con ban đầu đã sản sinh ra 11 dê con. 5 con đực, anh Ân đem bán, chỉ giữ lại 6 con cái tiếp tục nuôi để phối giống. Nhận thấy chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, vợ chồng anh Ân bàn nhau vay vốn, mua thêm 3 con bò sinh sản. Nhờ chịu khó làm ăn, mạnh dạn đầu tư sản xuất, thu nhập của gia đình đã từng bước được cải thiện. Chỉ sau hơn một năm, gia đình anh Ân đã thoát hộ nghèo.
Không chỉ hộ anh Ân, 24 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 3 huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất được nhận dê từ mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng thu được kết quả hết sức tích cực. Từ số lượng 175 con dê cấp phát ban đầu, sau hơn một năm chăm nuôi, đàn dê của các hộ được nhân lên thêm 195 con, với khối lượng sơ sinh đạt từ 1,7 - 1,9kg/con. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với dê được chăn nuôi từ trước tại các địa phương.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Theo Trưởng phòng Chăn nuôi (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Hồng Sơn, mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” với giống dê lai có cùng điều kiện chăm sóc, chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh… như nuôi dê truyền thống. Tuy nhiên, bước đầu thí điểm cho thấy hiệu quả sinh sản cao hơn. Đây có thể xem là hướng đi mới, phù hợp với vùng đồi gò nhờ đầu tư chi phí hạ tầng không lớn, tận dụng được sức lao động nông nhàn, cũng như phụ phẩm nông nghiệp.
Không chỉ giúp tăng thu nhập trực tiếp cho các hộ tham gia, mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển của các địa phương được thụ hưởng. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đặng Hồng Ngọc cho biết: Không ít hộ nhận thấy hiệu quả của mô hình đã tìm hiểu và bắt tay vào nuôi thử. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giảm nghèo tại địa phương.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, hiệu quả từ mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” mới chỉ là thành công bước đầu. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thông qua hỗ trợ về vốn mua con giống và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nhóm đối tượng hỗ trợ tập trung vào các hộ có kinh tế còn nhiều khó khăn và đáp ứng điều kiện chăn nuôi. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình, bà Hương kiến nghị các địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND TP tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện triển khai mô hình với quy mô, số lượng lớn và thời gian kéo dài hơn, để ngày càng có nhiều hộ nghèo vùng đồi gò được tiếp cận với hướng phát triển chăn nuôi bền vững này.
Theo kinhedothi.vn