Chia sẻ những vấn đề “nóng” về nông nghiệp, nông thôn được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh cần có cơ chế, chính sách mới để phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong thời gian qua, tín dụng của hệ thống ngân hàng phục vụ nông dân, phát triển nông thôn phát triển nhanh. Trong vòng 5 năm, dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng 2,2 lần, chiếm tới 22% tổng số dư nợ nền kinh tế, tương xứng với tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP của đất nước.
|
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình |
Thời gian vừa qua, bằng nhiều chính sách khác nhau, hệ thống ngân hàng khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung vốn để đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận, qua ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước và nhìn một cách khái quát thì hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn đang chững lại, có một số lĩnh vực còn giảm sút. Đứng trước thực trạng trên, theo Thống đốc, chúng ta phải thấy cả 2 góc độ. Nếu nhìn lại chặng đường phát triển 30 năm vừa qua, có thể khẳng định ngành nông nghiệp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Nhưng bước sang một giai đoạn mới của đất nước, chúng ta thấy rằng, “cái áo đã may cho ngành nông nghiệp trong 30 năm qua đã chật”. Chúng ta phải có cơ chế, chính sách mới giúp ngành nông nghiệp phát triển với trình độ cao trong giai đoạn mới của đất nước.
Hiện nay, theo tinh thần các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI, chúng ta đang đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Đảng đã chỉ đạo sơ kết Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về tam nông, Chính phủ cũng đã có đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, Quốc hội cũng đã thông qua Luật HTX… “Chúng tôi cho rằng, đó là những tiền đề hết sức quan trọng để cải cách sâu rộng, mạnh mẽ ngành nông nghiệp nước ta trong thời gian tới” Thống đốc nhấn mạnh. Hiện nay ngành ngân hàng đang nỗ lực để sửa đổi cơ chế, chính sách trong hoạt động tín dụng ngân hàng để phục vụ tốt hơn nông nghiệp, nông thôn.
Nói về hỗ trợ những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Vừa qua, đi một số địa phương thấy được khó khăn của người nuôi cá tra, ba sa và tôm. “Những lĩnh vực gì trong thẩm quyền của hệ thống ngân hàng chúng tôi đã giải quyết như cơ cấu lại nợ, giảm lãi… còn những nội dung vượt thẩm quyền thì đã làm tờ trình với Chính phủ để Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành giải quyết”.
Trước thực trạng cà phê giảm giá, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Thủ tướng, đề xuất tiến hành cơ chế tạm trữ cà phê và đã ứng đủ vốn cho tạm trữ. Về tái canh cây cà phê, mặc dù hiện nay Chính phủ chưa có chủ trương chính thức về tái canh cây cà phê, nhưng qua quá trình làm việc với các địa bàn thuộc Tây Nguyên, thấy việc tái canh cây cà phê là rất cần thiết, nên hệ thống ngân hàng đã dành gói 12 nghì tỷ đồng cho tái canh cây cà phê. Tuy nhiên, theo Thống đốc, với việc tái canh cây cà phê, vốn chỉ là một yếu tố, giống, quy hoạch mới là vấn đề quan trọng. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và chính quyền địa phương để xây dựng quy hoạch và cây giống đúng, trên cơ sở đó tái canh cây cà phê hiệu quả.
Trong lĩnh vực cho người nghèo vay vốn, tính đến nay, dư nợ cho người nghèo vay là 118 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian khó khăn vừa qua, trung bình mỗi năm tăng trưởng tín dụng dành cho người nghèo vẫn đều tăng 7-10%. Trong khi đó, dư nợ xấu và nợ quá hạn rất thấp. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ để Chính phủ cho cơ chế vay hộ cận nghèo và hiện nay đang trình Chính phủ cơ chế giúp hộ vừa thoát nghèo, thoát nghèo bền vững.
Thống đốc ngân hàng bày tỏ: “Tất nhiên còn nhiều khó khăn, nhưng tin tưởng sự tích cực của ngành ngân hàng và sự tích cực của các bộ, ngành, các cấp và đồng bào cả nước, nông nghiệp, nông thôn sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.
XUÂN DŨNG
Nguồn qdnd.vn