Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII họp phiên thứ 9 nhằm xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ ba kết thúc cuối tháng 6 để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm. Đồng thời, theo Tờ trình của Ban Công tác đại biểu, dự kiến có thêm 4 thành viên Chính phủ tiếp tục tham gia trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 10 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc phiên họp thứ 9 Thường vụ Quốc hội. Ảnh:TTXVN. |
4 Bộ trưởng được ban công tác dự kiến là Chánh án TAND Tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó phần trả lời của người đứng đầu ngành ngân hàng được đặc biệt quan tâm.
Về nội dung chất vấn, phần trả lời của Thống đốc Bình sẽ tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khắc phục và giảm dần nợ xấu, chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn... Vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trong Đề án tái cấu trúc nền kinh tế cũng nằm trong nội dung dự kiến sẽ chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.
Câu chuyện nợ xấu ngân hàng đang được đặc biệt quan tâm khi mỗi báo cáo lại đưa ra một tỷ lệ khác nhau. Cuối năm 2011, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng là 3,39%. Báo cáo gần đây của các tổ chức tín dụng cho biết, đến ngày 31/5, nợ xấu là 4,47%. Tổ chức quốc tế - Fitch Rating cho rằng, con số nợ hiện là 13%. Ngày 7/6, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra tỷ lệ 10%. Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2012, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - quyền Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 31/3 là 8,6% tương đương 202.000 tỷ đồng.
Cùng tham gia với Thống đốc, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh dự kiến cũng sẽ có phần phát biểu để làm rõ một số nội dung liên quan. Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua của Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình không nằm trong danh sách đăng đàn trực tiếp nhưng cũng đã có phần trả lời để làm rõ một số nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ.
Với các vị Bộ trưởng còn lại, nội dung chất vấn dự kiến trong phiên họp thứ 10 sẽ xoay quanh việc giải quyết các vụ án tồn đọng kéo dài, tình trạng chậm khắc phục án oan sai, hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách tại tập đoàn, tổng công ty, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật trong quản lý và thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giải pháp thực hiện chính sách xã hội hóa lĩnh vực bảo trợ xã hội…
Riêng tại kỳ họp lần này, do chỉ diễn ra trong 2 ngày 16-17/7, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ xin chủ trương thành lập thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xây dựng lực lượng kiểm ngư, công tác nhân sự Kiểm toán Nhà nước...
Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên cần căn cứ vào tình hình trong nước, quốc tế để có đánh giá chính xác kết quả hai năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2010-2015. Kỳ họp này cũng có lượng lớn chương trình, dự án luật cần phải hoàn thành, đặc biệt là việc cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai - dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt cần được chuẩn bị thật tốt ngay từ thời điểm này.
Đề cập đến tầm quan trọng của việc cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và việc chuẩn bị Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ phận liên quan cần tổng hợp tốt các nội dung, chuẩn bị kỹ lưỡng, có đánh giá tổng thể để các báo cáo đạt chất lượng cao.
Về việc cho ý kiến lần đầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là công việc hết sức hệ trọng cần được thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đề ra; trong đó thực hiện tốt việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
XUÂN HOA
Nguồn: VnExpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn