Từ nguồn kinh phí do hội viên, các nhà hảo tâm đóng góp, từ năm 2016 đến nay Hội Nông dân huyện đã triển khai mô hình nuôi dê bách thảo. Với kinh phí khoảng 70 triệu đồng, xoay vòng 1 năm 3 xã, mỗi xã 3 đàn dê (mỗi đàn 3 dê cái và 1 dê đực), sau 4 năm thực hiện đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo có vốn tái đàn, mở rộng mô hình.
Đàn dê trong mô hình của Hội Nông dân huyện Chư Sê. Ảnh: T.H
Nhận thấy hiệu quả từ loại vật nuôi này, Hội Nông dân huyện tiếp tục xây dựng thêm một mô hình nuôi dê bách thảo từ nguồn vốn 70 triệu đồng do ngân sách huyện hỗ trợ. Từ mô hình mới này, trong năm 2019 Hội đã bàn giao 21 con dê giống cho 3 hộ nghèo, cận nghèo của các làng Nhă (xã Ia Blang), Blut Roh (xã Al Bá) và Tơ Drah (xã Bar Măih), mỗi hộ 1 con dê đực và 6 con dê cái.
Theo Hội Nông dân huyện, cả hai mô hình đàn dê thoát nghèo và nuôi dê Bách Thảo hiện phát triển khá tốt, nhiều hộ dân đã có vốn tái đàn. Dê là loại vật nuôi dễ nuôi, ít bệnh tật, đầu tư ít, chủ yếu là tận dụng nguồn thức ăn lá keo có sẵn nên phù hợp với nhiều hộ dân.
Ngoài 2 mô hình từ đàn dê, Hội Nông dân huyện Chư Sê còn xây dựng nhiều mô hình khác như chuyển đổi hồ tiêu chết sang trồng chuối xuất khẩu, trồng dưa lưới trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới tự động, kết hợp trồng cà phê - tiêu - nuôi cá, nuôi gà Ai Cập siêu trứng, mô hình trồng măng tây, cây dược liệu sâm đương quy… nhằm mở hướng sinh kế cho hôi viên, nông dân.
Ông Hồ Sỹ Thuần - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê, cho biết việc triển khai xây dựng các mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo cũng gặp không ít khó khăn. Những hội viên được hỗ trợ đều là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo chưa nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi, một số có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước... Do vậy Hội đã tổ chức các lớp tập huấn về cây trồng, vật nuôi cho người dân; vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm; vận động hội viên chuyển đổi cây trồng…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn