Không để kéo dài việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Phiên thảo luận tại Chính phủ chiều 3/7, sau khi nghe ý kiến một số địa phương về vấn đề hạ tầng giao thông, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa trả lời những nội dung cơ bản.
Trước hết, vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cảnh báo sẽ có nhiều bất thường phát sinh nếu không có giải pháp quyết liệt giải quyết tình trạng quá tải tại đây.
“Khi công suất thiết kế chỉ là 28 triệu khách, năm 2016 sân bay đã phải phục vụ 32,5 triệu khách, năm 2017 sẽ có khoảng 36 triệu khách đi/đến sân bay này. Chúng tôi rất lo lắng về tiến độ nâng công suất tiếp nhận của sân bay Tân Sơn Nhất” - Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ.
Một số dự án các địa phương quan tâm như Cảng hàng không Cát Bi, Phú Bài, Chu Lai... ông Nghĩa cho biết, Bộ GTVT sẽ có báo cáo trong tháng 7 và sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư.
Về các kiến nghị của địa phương đối với các dự án giao thông cụ thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, nguồn kinh phí trung hạn cho ngành mới được khoảng 31% cho 5 năm tới và dự kiến với năm 2018 sẽ không còn tiền. Ông Nghĩa cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc này. Thủ tướng yêu cầu rà soát lại tất cả các khả năng và nguồn vốn.
Phần kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập lại chuyện giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, dù việc này cấp bách, nhiều phương án đã được đặt ra nhưng dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn, nhất là vấn đề sân golf trong sân bay này.
Thủ tướng nhấn mạnh, sân golf Tân Sơn Nhất tồn tại trong sân bay đã lâu. Vừa qua, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông chủ trì thuê công ty tư vấn độc lập nước ngoài để xem xét, lên phương án nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất với hướng “đặt hàng” là sử dụng cả phần đất sân golf (nếu cần) để phục vụ tốt nhất cho sân bay.
“Bộ Giao thông phải có báo cáo kịp thời việc này, không để kéo dài gây dư luận không tốt” - Thủ tướng chốt lại vấn đề.
“Tỉnh này, tỉnh kia vẫn gây việc ì xèo”
Một vụ việc khác Thủ tướng nhắc cụ thể khi kết luận phiên họp là vấn đề cán bộ gây tai tiếng tại Yên Bái.
“Cán bộ sai thì phải điều tra, kết luận, xử lý. Tôi đã nhắc anh Sáu (Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu - PV) là phải kết luận cho được vụ giám đốc Sở để dư luận xấu như thế, làm hình ảnh rất xấu cho đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước” – Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm tổng biên tập, phóng viên sai phạm trong vụ việc ở địa phương này. Thủ tướng cho biết thêm, Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Bùi Văn Nam mới báo cáo thêm với ông việc có một cơ quan báo chí khác (đài truyền hình) cũng “tham gia rất mạnh” vào vụ này.
Mở rộng vấn đề, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục tăng cường giải pháp chống tham nhũng tiêu cực và bệnh phô trương hình thức đang diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở một số địa phương. Công tác cán bộ mà bị chi phối vì sự cục bộ, địa phương, gia đình, rồi tham nhũng, tiêu cực, theo Thủ tướng, dù đó chỉ là số ít vẫn ảnh hưởng đến cả hệ thống.
“Tỉnh này tỉnh kia, nơi nọ nơi kia vẫn làm những việc gây ì xèo lắm. Thông tin về Bí thư tỉnh này, Chủ tịch tỉnh kia cực kỳ nguy hiểm. Quyết định công việc kiểu cục bộ, người nhà, người thân là mất luôn đến 90% hiệu quả hoạt động, điều hành. Tôi mong từ các bộ với viện, trường, sở, vụ… cùng gương mẫu trong việc này, tìm người tài, hiền đức chứ không phải tìm người nhà mình cho các vị trí trong bộ máy” – Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng cũng nhắc Thanh tra Chính phủ cần làm nghiêm túc, làm đến nơi đến chốn, không “đánh trống bỏ dùi” với một số vụ việc đã phát hiện, tiến hành thanh kiểm tra.
“Cần phải nêu cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, chỉ đạo, cần quyết liệt, cụ thể hơn, kiểm tra, kiểm soát tốt hơn, giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Khen thưởng và kỷ luật phải kịp thời đối với điều hành” - Thủ tướng nói.
Theo Dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn