"Thủ tướng đối thoại nông dân như đất hạn gặp mưa"
Chủ nhật - 15/04/2018 23:33
Tuần qua, truyền thông cả nước bàn nhiều về cuộc đối thoại của Thủ tướng với nông dân. Theo đó, nhiều quyết sách đã được đưa ra giải quyết ngay làm thỏa lòng mong đợi của người dân.
Nhiều vấn đề “nóng” của ngành nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sản xuất và phát triển kinh tế của người nông dân được đưa ra bàn luận và giải quyết ngay tại các phiên đối thoại như thị trường, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp.
Cần liên kết chặt chẽ với nhau để lo "đầu ra" nông sản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại với nông dân cả nước để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những vướng mắc khó khăn của người nông dân. Sau hai tuần triển khai, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi.
Ban tổ chức đã chọn lọc câu hỏi nhiều người quan tâm nhất, gom lại thành 4 nhóm vấn đề lớn: Nhóm vấn đề thứ nhất là thị trường và đầu ra cho nông sản; Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến vốn và đất đai; Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến Công nghệ cho nông nghiệp và Quản lý vật tư nông nghiệp; Và thứ tư là các câu hỏi liên quan đến các vấn đề khác (như môi trường nông thôn, lao động nông thôn, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách đối với miền núi – dân tộc và nông thôn mới…).
Phát biểu tại cuộc đối thoại Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, phải cảm ơn chính những người nông dân đang ngày đêm trực tiếp sản xuất để đưa đất nước từ từ một nước thiếu ăn sang đủ ăn. Thậm chí, không chỉ đủ ăn mà còn xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt trên 36 tỷ USD.
Hiện tại, chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu phấn đấu có thứ hạng trên bản đồ xuất khẩu nông sản. Việt Nam đang đứng thứ 18 trên thế giới về tổng thể, chúng ta có quyền tự hào, người nông dân chúng ta đang thực hiện các chủ trương, định hướng về nông nghiệp là rất tốt không có nhiều nước có thể nuôi tôm, trồng cây cho ra năng suất như của chúng ta hiện nay.
Để phát triển hơn nữa, đưa nông sản Việt đi xa hơn nữa cần phải liên kết chặt chẽ với nhau, các chủ thể phải liên kết thành chuỗi. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với người nông dân, đặt hàng cho nông dân với sản phẩm giống đầu vào hữu cơ, chế biến đi xuất khẩu.
Vấn đề tăng cường công tác thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước...
Tại buổi đối thoại, ông Đoàn Xuân An, một nông dân trồng cam sành tại Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết, cam sành Hàm Yên hiện có diện tích trong vùng quản lý là 7.600ha, nếu cộng với diện tích trồng tự phát nữa là trên 1 vạn ha. Sản lượng thu bình quân mỗi năm vào khoảng 100.000-120.000 tấn, cá biệt năm 2016 là 140.000 tấn. Với sản lượng lớn đó, cam sành Hàm Yên đang bị dồn lại, ứ đọng vào thời điểm chính vụ nên hay bị tư thương ép giá. Cách làm giãn vụ bằng phương pháp phun trên cây thì không bảo đảm an toàn, còn ủ cam bằng thuốc của Trung Quốc như ngày xưa không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cách duy nhất là xây dựng các kho bảo quản lạnh theo công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
"Chúng tôi đã đi tham quan nhiều mô hình kho lạnh ở các nước, thấy các kho được nhà nước hỗ trợ, bảo quản quả được 1-2 năm. Khi giá cam mà thấp thì đưa vào kho bảo quản, khi giá cao đưa ra bán. Làm như vậy họ nâng cao được chuỗi giá trị gia tăng cho người nông dân", ông An ao ước.
“Giả sử cam Hàm Yên có sản lượng 120.000 tấn/năm, nếu làm được kho lạnh như nước bạn thì giá trị chỉ tăng khoảng 2.000 đồng/kg. Lúc đó, tiền thu về sẽ được nhiều tỷ, hỗ trợ được người nông dân rất nhiều”, ông An nói.
Trong buổi đối thoại, ông đã thay mặt bà con kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ người trồng cam làm kho bảo quản lạnh, đồng thời đặt câu hỏi: Nếu được thì phương thức thực hiện như thế nào?
Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. Bộ trưởng cho biết, trong tháng 4 này, Bộ sẽ tổ chức một đoàn chuyên gia, mời lãnh đạo Tuyên Quang và nông dân thăm Nhật Bản, tiếp thu công nghệ bảo quản mát của họ để áp dụng vào thực tiễn, nhất là vùng sản xuất cây có múi.
“Thật ra người nông dân đang gặp hạn, chẳng khác gì những thửa ruộng mà 2-3 năm không có mưa, bây giờ mưa xuống thì chắc sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Khi được Thủ tướng tiếp nhận và giải đáp vướng mắc, chúng tôi phấn khởi lắm. Chỉ mong sau chuyến công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT sang Nhật, vùng cam Hàm Yên sẽ có những kho lạnh”, ông An hy vọng.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở nhỏ lẻ
Tại hội nghị quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và triển khai Nghị định 15 của Chính phủ về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu đề xuất, mặc dù tình trạng thực phẩm bẩn có xu hướng giảm so với trước tuy nhiên qua thanh kiểm tra, mất an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục xảy ra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Vì vậy việc tăng cường giám sát, kiểm tra và tái kiểm tra các cơ sở này cần được chú trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet.vn)
Công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được tăng cường trong quý 1. Qua thanh tra, kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm, thủy sản lực lượng chuyên ngành đã xử phạt hành chính 5 doanh nghiệp với số tiền 201 triệu đồng; ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 16 doanh nghiệp trong lĩnh vực thú y, với số tiền xử phạt gần 1,3 tỉ đồng. Kết quả kiểm tra, phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông, lâm thủy sản cho thấy, các cơ sở xếp loại A và B chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên tỷ lệ các cơ sở xếp loại C được tái kiểm vẫn còn thấp…
Theo các đại biểu, tình trạng mất an toàn thực phẩm chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, vì vậy việc tăng cường giám sát, kiểm tra và tái kiểm tra các cơ sở này cần được chú trong thời gian tới. Song song với tăng cường thanh tra đột xuất, kiểm soát nhóm nông sản nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, một số ý kiến đề xuất phân định rõ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo Thông tư 51 và Thông tư 45 trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho việc giám sát, thanh kiểm tra.
Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội kiến nghị hiện nay chưa có chế tài đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm. Chưa có Thông tư quy định cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu vẫn đang vận dụng các Thông tư của Bộ Công thương. Đề nghị về mở rộng các đối tượng cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không được cấp giấy chứng nhận đưa vào Thông tư 51 để quản lý, số còn lại đưa vào Thông tư 45.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám nêu rõ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt đã chuyển biến rõ rệt, hình thành các chuỗi giá trị nông sản an toàn, tuy nhiên, đây là việc làm lâu dài, vì vậy các địa phương cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp sẽ quyết liệt thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài thực hiện các biện pháp đồng bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 15 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm làm cơ sở cho công tác thanh kiểm tra của các địa phương; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong xã hội.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, thời gian tới cần tập trung kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào, kiểm tra thông qua điều kiện và “hậu kiểm” theo tinh thần của Nghị định 15. Chuyển từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất, kết hợp thu thập thông tin để thanh tra xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và xác nhận, chứng nhận sản phẩm an toàn. Tăng cường thông tin truyền thông và kết nối chuỗi và các sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng nông sản.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Nâng cao trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn quốc, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”.
Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP; rà soát việc thực hiện các quy định về ATTP trong sản xuất, kinh doanh… Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố.
Trong thời gian tới, việc thanh tra an toàn thực phẩm sẽ trên diện rộng hơn. (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, 6 đoàn kiểm tra, gồm: Đoàn số 1, do Cục ATTP (Bộ Y tế) chủ trì, phối hợp Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và một số cục, viện liên quan thanh tra, kiểm tra tại Khánh Hòa, Phú Yên.
Đoàn số 2, do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại Gia Lai, Kon Tum.
Đoàn số 3, do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với cục, viện, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thanh tra, kiểm tra tại Hà Nội, Ninh Bình.
Đoàn số 4, do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với một số cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại Cần Thơ, Sóc Trăng.
Đoàn số 5, do Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) phối hợp với cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại TP. Hồ Chí Minh, Long An.
Đoàn số 6, bao gồm thanh tra Bộ Y tế, phối hợp với Cục Quản lý thị trường và một số cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Nghệ An, Hà Tĩnh.
Các đoàn sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, làng nghề. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng trong thực thi pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn…
Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng ATTP, Tháng hành động vì ATTP sẽ là điểm nhấn trong năm 2018, tạo đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn nói riêng. Qua đó, gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.
Chính phủ trình dự án Luật Chăn nuôi
Dự án Luật Chăn nuôi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 diễn ra vào sáng 13/4.
Dự án Luật Chăn nuôi được xây dựng gồm 8 chương với 65 điều quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Luật được xây dựng với mục đích thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Khẳng định sự cần thiết ban hành luật, Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chăn nuôi của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khẳng định, Thường trực Ủy ban nhận thấy dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 12 năm thi hành Pháp lệnh Giống vật nuôi, tổng kết việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới và pháp luật quốc tế về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quản lý hoạt động chăn nuôi...
Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế về chăn nuôi. Là dự án Luật lần đầu được trình ra Quốc hội, tại thảo luận, các thành viên UBTVQH đã tập trung chủ yếu làm rõ những vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật về sự cần thiết ban hành; phạm vi và đối tượng điều chỉnh; tính thống nhất của luật với hệ thống pháp luật nói chung; tính khả khi và tác động của luật đến phát triển kinh tế;…
Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra đòi hỏi ngành chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu phải có chất lượng cao với giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh.
Do đó, việc ban hành Luật Chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, theo chuỗi, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần làm rõ mỗi quan hệ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành trong quản lý, thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; có những quy định nhằm khắc phục sự thiếu đồng bộ trong chăn nuôi, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng hoạt động mua bán, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi là một khâu quan trọng để nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhưng chưa được quy định trong dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị để khắc phục các tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi hiện nay, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về “Chiến lược phát triển chăn nuôi”; làm sâu sắc hơn nội dung về nghiên cứu khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Dự án Luật Trồng trọt sẽ được Quốc hội xem xét vào tháng 5 tới
Chiều 13/4, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 23, dưới sự điều khiển của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt.
Dự thảo Luật gồm 7 Chương và 82 Điều quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt; quản lý Nhà nước về trồng trọt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet.vn)
Mục tiêu xây dựng Luật nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo dự kiến, dự án Luật Trồng trọt sẽ được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới.
Mỗi ngày Việt Nam chi hơn 52 tỷ đồng mua thuốc trừ sâu
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 3/2018, Việt Nam chi hơn 208 triệu USD để nhập mặt hàng thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu. Mặc dù con số này đã giảm so với cùng kỳ song mặt hàng này vẫn có tỷ lệ nhập khẩu cao. Đặc biệt, hơn 50% giá trị nhập khẩu là từ Trung Quốc.
Tính toán sơ bộ, trung bình Việt Nam phải chi hơn 52 tỷ đồng/ngày để nhập các mặt hàng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật về nước, trong đó hơn 50% (khoảng 26 tỷ đồng là để chi cho nhập mặt hàng từ Trung Quốc).
Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu trung bình thuốc trừ sâu từ Trung Quốc giảm 3 tỷ đồng/tháng nhưng giá trị nhập khẩu mặt hàng nhạy cảm này cao khiến nhiều người lo ngại.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hơn thế nữa, thống kê của hải quan chủ yếu đưa ra con số nhập khẩu chính ngạch của doanh nghiệp, còn lượng lớn thuốc trừ sâu được nhập theo đường tiểu ngạch giữa hai nước là rất lớn.
Theo thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Việt Nam hiện có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với 4.080 thương phẩm.
Trên thực tế, nhiều năm qua ngành nông nghiệp Việt Nam ngoài nhập thuốc trừ sâu còn nhập cả phân bón lớn từ nước ngoài. Tính đến hết tháng 3/2018, Việt Nam đã chi hơn 262 triệu USD để nhập hơn 940.000 tấn phân bón. Lượng phân bón có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 309.000 tấn, đạt hơn 78 triệu USD.
Trước đó, trong năm 2017, Việt Nam đã phải nhập hơn 4,6 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 1,2 tỷ USD, trong đó phân bón từ Trung Quốc là 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 450 triệu USD.
Giá lợn hơi tăng kỷ lục trong nửa năm qua, sát mốc 40.000 đồng/kg
Thị trường lợn hơi trong nước ghi nhận tăng giá liên tục trong những ngày gần đây. Từ đầu tháng 4 giá lợn bắt đầu có hiện tượng tăng từ 32.500 đồng/kg, nay đã lên áp sát mức 40.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc, giá lợn tiếp tục tăng mạnh, có địa phương cán mốc 39.000 đồng/kg – cao nhất trong vòng nửa năm qua.
Cụ thể, tại Hưng Yên giá lợn hơi đang được thu mua trong mức 38.000 - 39.000 đồng/kg, Sơn La cũng đạt mốc 39.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Thái Nguyên có nơi đạt 38.500 đồng/kg. Bắc Giang tiếp tục dao động quanh ngưỡng 38.000 đồng/kg, Thái Nguyên cũng đã lên 37.000 - 38.000 đồng/kg từ mức 35.000 đồng, một số nơi hàng đẹp có thể bán với giá 39.000 đồng/kg. Tại Phú Thọ, Hòa Bình giá lợn hơi cũng đang ở mức 36.000 - 37.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet.vn)
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng ghi nhận giá lợn cũng đang trên đà khởi sắc, có nơi đạt 37.000 - 38.000 đồng/kg. Các địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ vẫn đang có mức giá nhỉnh hơn một chút so với các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ.
Cụ thể, một số tỉnh có giá lợn cao là Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định,... hiện những địa phương này đều dao động từ 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam cũng tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Tại tỉnh Bến Tre cũng đã đạt mức 37.500 đồng/kg, tương tự giá heo tại Đồng Nai. Theo thông tin từ thị trường, giá lợn hơi tại Cái Bè đã đạt 37.000 - 38.000 đồng/kg. Còn tại Cai Lậy, giá lợn đang ở quanh mức 35.000 đồng/kg.
Với những chuyển biến tích cực này, một số người chăn nuôi kỳ vọng rằng "cơn sốt" giá lợn hơi hồi giữa năm 2017 có thể trở lại. Trước đó, vào khoảng tháng 7/2017, giá lợn hơi đã tăng lên mức 42.000 – 45.000 đồng/kg trong vài ngày liên tiếp, tuy nhiên ngay sau đó lại giảm về dưới 30.000 đồng/kg./.