Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Quang cảnh hội nghị Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ Trong 10 năm trở lại đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp tăng cao, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của toàn ngành. Từ năm 2013-2019 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (2007-2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5-7%. Xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 186 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật bản... Toàn quốc đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu trong những năm qua tăng cao; tiếp tục duy trì 08 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 04 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD; năm 2019 xuất khẩu nông sản đạt gần 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018. Các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản phần lớn được xây dựng ở khu vực nông thôn, đã đóng góp tích cực trong cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn; hình thành các thị trấn, thị tứ tại khu vực xây dựng các nhà máy chế biến; giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động mà phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng; góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, năm 2019 so với năm 2011 số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/01ha canh tác. Mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh. Cần có chính sách tín dụng “cởi mở” với ngành nông nghiệp Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp đã đề xuất cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đáp ứng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam; các giải pháp khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; tình hình và giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp Chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành... Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp khẳng định: Để thúc đẩy phát triển bền vững, tạo ra các tiềm năng và cơ hội lớn của ngành cho cả đầu tư và gia tăng, cần có sự liên kết tạo ra sản xuất lớn, chất lượng kiểm soát và đồng đều, sản lượng lớn thu hút hệ thống phân phối lớn và giám giá thành, các chủ thể tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo sự chủ động trong việc tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, giảm giá thành. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ sớm có chính sách tích tụ đất đai, tạo tiền đề cho các trang trại lớn, sản xuất lớn; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có đánh giá xem xét lại để có chính sách tín dụng “cởi mở” với ngành nông nghiệp nói chung. Chính phủ và Bộ LĐTBXH sớm xem xét đến thực tế thiếu lao động của các doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản và trước mắt tháo gỡ các bất cập tồn tại ở quyết định tạm thời số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH về danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại; xem xét lại các Dự án nông nghiệp đã giao, những dự án nào không hiệu quả hoặc bỏ hoang thì cần phải có chính sách cứng rắn thu hồi để hình thành Dự án mới, kêu gọi đầu tư. Các địa phương đề nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ 50% giá trị các thiết bị máy móc thực hiện một số mô hình; bổ sung máy sạ theo khóm, máy cấy lúa, máy gieo mạ và khay gieo mạ vào danh sách thiết bị được hỗ trợ lãi suất vốn vay. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn về vận hành, bảo trì các loại máy nông nghiệp, lớp dạy nghề cơ giới nông nghiệp, để nông dân nắm vững cách vận hành và bảo trì máy, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, hạn chế rủi ro. Chế biến thuỷ sản Nghệ An năm 2019 đạt 17.800 tấn Tại Nghệ An, tỉnh đã triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong năm 2019, chế biến thuỷ sản đạt 17.800 tấn; sản lượng đường đạt 140.000 tấn; Chè khô đạt 12.500 tấn; Cà phê nhân khô đạt 427 tấn; Cao su mủ khô đạt 7.500 tấn; Sản lượng gỗ xẻ các loại đạt 20.000m3; Chế biến đồ mộc đạt 5.000m3. Về cơ giới hóa trong nông nghiệp, sau thực hiện dồn điền đổi thửa, thông qua các chính sách hỗ trợ, các chương trình, dự án và người dân tự đầu tư, Nghệ An đã có hàng chục nghìn máy nông nghiệp các loại, các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nhanh như làm đất đạt trên 95%, vận chuyển 93%, gặt lúa 95%... góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Toàn tỉnh ước tính có trên 14.750 máy cày đa chức năng, 8.672 máy gặt rải hàng, máy gặt cầm tay, 850 máy gặt đập liên hợp, 11.000 máy tuốt lúa có động cơ, 9.586 máy chế biến lương thực, 2.816 máy chế biến thức ăn gia súc, 3.732 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ... Hội nghị cũng thông qua Dự thảo Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Theo đó, Bộ NN&PTNT phấn đấu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam “Đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đồng thời có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Cần quan tâm phát triển thị trường trong nước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Ảnh Chinhphu.vn Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp để tháo gỡ cho các hộ dân, HTX, doanh nghiệp phát triển trong điều kiện của Việt Nam lợi thế hơn các nước khác. Sau hội nghị sẽ có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành đưa ra các chiến lược, chính sách về phát triển nông nghiệp, trong đó, các ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong sản xuất, chế biến; xuất khẩu sản phẩm tươi là cần thiết nhưng chế biến sâu là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường là việc làm quan trọng, cần quan tâm phát triển thị trường trong nước để người dân có thực phẩm sạch, an toàn. Cần đầu tư cho nông nghiệp mạnh mẽ hơn và phát triển cơ giới hóa, nông nghiệp không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu được – đó chính là cơ hội, là hướng đi mới để phát triển được một số đặc sản thế mạnh của các địa phương. Muốn cạnh tranh được, cần giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển; xây dựng giá trị thương hiệu và quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn; tăng cường sự liên kết “5 nhà” gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng trong sản xuất nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cần kéo dài thời gian vay cho các doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan. Theo Kim Oanh/nghean.gov.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn