Các khoản thuế BVMT không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn góp phần nâng cao nhận thức về BVMT, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy vậy, trong các chính sách thuế hiện hành, BVMT chỉ là mục tiêu lồng ghép nên tác dụng của chúng còn hạn chế. Việc khuyến khích đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường, không thu thuế nhập khẩu hoặc thu thuế thấp khi mua các sản phẩm, thiết bị liên quan đến BVMT chỉ góp một phần vào mục tiêu BVMT chứ chưa tác động trực tiếp đến hành vi sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN) và toàn xã hội, việc nhìn nhận về vai trò của chính sách thuế trong việc BVMT còn mờ nhạt. Các quy định khuyến khích DN khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, BVMT sinh thái, hạn chế ô nhiễm vẫn còn rải rác ở các chính sách thuế, chưa thể hiện rõ ý nghĩa của việc BVMT và giảm thiểu ô nhiễm, chưa khuyến khích được các DN nỗ lực giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường. Các DN thường chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà cố tình bỏ qua những tác hại đối với môi trường, trong khi chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn. Các ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích DN giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo các chuyên gia, về mặt dài hạn, cần có sự nghiên cứu thuế đánh vào lượng khí thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu chứa carbon. Đây là giải pháp quan trọng chống lại ô nhiễm môi trường nói chung và biến đổi khí hậu nói riêng. Việc đánh thuế carbon vào các chất đốt sẽ khuyến khích việc tìm ra các nguồn năng lượng thay thế không phát thải hoặc phát thải ít. |
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả BVMT ở Việt Nam, nhà nước cần tập trung các biện pháp ưu đãi đối với thuế trực thu trong việc khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các DN có sử dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sạch trong sản xuất sản phẩm... Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy được tác dụng, cần quy định rõ: những hoạt động nào là hoạt động xử lý chất thải, những chi phí nào sẽ được tính trừ; tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các dự án làm sạch môi trường bằng cách cho áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN thấp (10%) trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... nên được áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất trong Luật thuế thu nhập DN hiện hành (miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo). Các chi phí liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng cho phép được tính gấp đôi khi xác định thuế thu nhập DN. Có biện pháp khuyến khích nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạch, công nghệ mới tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Song song với việc ưu đãi thuế, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các hoạt động khai thác tài nguyên. Nên áp dụng mức thuế suất cao hơn nữa đối với loại tài nguyên dạng thô, ngược lại, đánh thuế suất thấp hơn đối với tài nguyên dạng tinh hoặc đã chế biến.