Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Diễn đàn “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ nền nông nghiệp, nông nghiệp Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong thị trường nông sản của thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.
Lấy ví dụ qua thực tế phát triển nông nghiệp ở những nước có điều kiện không thuận lợi như Hà Lan, Israel, Trưởng Ban Kinh tế cho rằng, năng suất cao trong nông nghiệp là yếu tố quyết định, cần thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp của chúng ta.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra nhiệm vụ “Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập thì cần phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đó cần sản xuất lớn, không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã, kinh tế tập thể và doanh nghiệp.
“Phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân. Chúng ta đã có nhiều mô hình thành công, do đó cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Phải bảo đảm chủ trương, chính sách để tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Về kinh tế tập thể, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng: Việt Nam đã có Luật Hợp tác xã mới, một bước tiến hết sức quan trọng. Muốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp thì cần làm ngay hai việc: Tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
“Nếu có cơ chế hợp lý thì doanh nghiệp sẽ đầu tư vào nông nghiệp ngay, từ đó mới có công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi, thương hiệu và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao được sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà”, ông Bình nói.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có đầy đủ để nông nghiệp phát triển, nhưng khâu trung gian, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết thành các cơ chế, chính sách vào cuộc sống để phát huy tác dụng còn yếu, đây là điểm cần khắc phục trong thời gian tới.
Cần có hệ thống giải pháp phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung làm rõ các giải pháp then chốt như: Xác định đúng vai trò của Nhà nước trong đầu tư vào nông nghiệp; các chính sách tạo thuận lợi cho sử dụng nguồn nước và đất có hiệu quả; cải cách dịch vụ công trong nông nghiệp; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đào tạo nghề cho nông dân; chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Huy Thắng/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn