Gà con được nuôi trong chuồng úm |
Trang trại gà của anh Khánh tại khu Tắc Cá Cháy, ấp Dơi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM với diện tích hàng chục ha. Đặt chân vào trang trại, tôi cứ ngỡ mình tới nhầm khu du lịch, bởi một không gian thoáng đãng, với dãy nhà ở, nhà ăn và cả sân chơi bóng, đều sạch sẽ, mát mẻ dành cho công nhân cũng như các đoàn khách đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm nuôi gà.
Trước khi bước vào khu nuôi, tôi phải rửa chân tay, xịt khuẩn, mặc áo bảo hộ, đi ủng. Bước vào khu vực nuôi, tôi ngạc nhiên bởi không hề thấy mùi hôi của phân gà...
Anh Khánh kể, năm 2009, vợ chồng anh bắt đầu xây dựng mô hình nuôi heo rừng tại Cần Giờ, với mong muốn đem đến một sản phẩm sạch, dòng heo lạ cung cấp cho thị trường TP.HCM. Anh Khánh nuôi 1.000 con heo rừng, khi xuất chuồng bán thì lại gặp khó khăn ở đầu ra. Cuối cùng phải bán đổ bán tháo và nghỉ nuôi heo rừng.
Năm 2011 - 2012, anh Khánh xách cặp đi học hỏi từ Nam ra Bắc, kể cả sang tận Ma rốc để nghiên cứu về gà. Sau khi nuôi thử nghiệm nhiều giống, cuối cùng anh chọn được giống gà nòi Bến Tre. Anh Khánh về vùng Ba Tri, Bến Tre kết hợp với những hộ còn nuôi gà thuần, không bị lai tạp, rồi lấy trứng về ấp và nhân giống.
“Gà giò” được tự do chạy nhảy trong chuồng |
“Đặc trưng của con gà nòi Bến Tre là chống chịu được với môi trường của phía Nam, thịt không dai, chất lượng ngon, thơm, trọng lượng gà tầm 1,2 - 1,8 kg/con nuôi trong vòng 5 tháng”, anh Khánh chia sẻ.
Tại khu nuôi gà với diện tích 10ha, anh Khánh phân chia theo từng khu như: khu chuồng úm gà con, khu chuồng nuôi gà thịt, khu cách ly gà bệnh, xử lý gà chết, khu xử lý nước uống cho gà, khu xử lý đệm lót sinh học và ủ phân vi sinh…
Quy trình nuôi gà cũng rất cầu kỳ: trứng được đưa vào lò ấp nở tại cơ sở ở Bến Tre, gà ra đời sẽ được tiêm vắc xin và được đưa trở lại Cần Giờ. Sau đó, gà con được đưa vào chuồng úm, cách ly dịch bệnh. Thời gian này, thức ăn của gà gồm tấm, gạo lức, bột ngô, đậu nành, bột cá, bánh cá trộn lẫn và được nấu chín.
Khu vực ngoài chuồng, gà có thể tự do chạy nhảy, đào bới |
Sau 21 ngày, gà được đưa sang chuồng nuôi “gà giò”. Đây là giai đoạn rất quan trọng, cần liều lượng thức ăn đúng để chúng phát triển tốt nhất. Cụ thể, đậu nành được mua từ Campuchia (trồng theo yêu cầu của anh Khánh), đậu xanh của Bình Thuận không xịt thuốc, bắp không biến đổi gen, tất cả được ngâm và nấu lên cùng với bã hèm cho gà ăn. Sau 55 ngày tuổi, thức ăn cho gà gồm 3 loại chính là lúa, bắp, đậu tương nấu chín, ngoài ra còn bổ sung thêm cỏ voi, củ sắn, củ khoai lang, trái quýt.
Để phòng và điều trị bệnh, anh Khánh chỉ sử dụng tỏi, nghệ, gừng, sả, hoa hồi và một số vị thuốc nam trộn lại ngâm rượu làm thuốc. Nước uống được lọc xử lý và thường xuyên đem đi kiểm nghiệm. Đặc biệt, công nhân ở đây nếu có đi ra ngoài tiếp xúc với người khác thì phải nghỉ 2 ngày để được cách ly các dịch bệnh. Áo mặc hàng ngày trong trang trại đều phải qua khử trùng tiêu độc.
“Đó là lý do vì sao tôi cải tạo nơi đây thành một môi trường trong lành, để công nhân là người dân tộc Chăm quê tôi cảm thấy thoải mái nhất khi chăm sóc gà. Nông nghiệp là phải xanh, phải sạch”, anh Khánh vui vẻ nói.
Thức ăn của gà được nấu chín |
Buồng chứa thức ăn cho gà |
Khu xử lý nước sạch cho gà và nơi khử trùng dụng cụ |
Các đoàn khách tham quan tại trang trại gà của anh Khánh |
Trung bình một chu kỳ nuôi gà nòi tại trang trại của anh Khánh là 15.000 con/ha trong vòng 5 tháng, chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng cho mỗi chu kỳ nuôi. Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh mọi công đoạn để phát triển thêm lượng gà nuôi mỗi chu kỳ, đồng thời đăng ký bảo hộ cho thương hiệu Gà Rừng Sác. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn