Sau 2 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong 2 năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh công tác qui hoạch và lập Đề án xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỷ lệ các xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới đạt 68%, trong đó cao nhất là Bắc Trung bộ đạt 88%; đồng bằng sông Hồng đạt 79%; đồng bằng sông Cửu Long đạt 67%, Tây Nguyên đạt 61%, miền núi phía Bắc đạt 54%; Đông Nam bộ đạt 41%; Nam Trung bộ đạt 28%....
Về tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn các xã hiện đã đạt gần 42 ngàn tỷ đồng, nâng cấp và xây dựng mới được gần 100 ngàn hạng mục công trình. Đặc biệt, để đạt tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, các xã đều chú trọng việc phát triển sản xuất, giúp nhau làm giàu. Với những nỗ lực vượt bậc, cho đến nay trên cả nước đã có nhiều xã đạt từ 16-18 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, công tác xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi vẫn còn triển khai chậm. Hiện mới có 68% xã trong cả nước làm xong quy hoạch nông thôn mới. Nhiều địa phương triển khai chậm, cụ thể, đến nay còn 7 địa phương (Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Quảng Trị, Đồng Nai, Khánh Hoà, Quảng Nam) có tỷ lệ phê duyệt quy hoạch rất thấp (từ 2-5%); còn 202 xã, chiếm gần 10% số xã của vùng miền núi phía Bắc chưa triển khai công tác quy hoạch… Ngoài ra, công tác chỉ đạo “điểm” trong xây dựng nông thôn mới còn mờ nhạt; bộ máy chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn chưa đồng bộ giữa các địa phương….
Trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, như con đường, trụ sở làm việc, chợ, nhà văn hóa, trường học… mà cần chú trọng mọi mặt để có thể tạo nên bộ mặt nông thôn mới phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi phải huy động sự vào cuộc của toàn dân” …
Để Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tiếp tục đem lại hiệu quả cao, mới đây, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 342/2013/QĐ-TTg sửa đổi 5 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới ban hành tại Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16-4-2009. Theo đó, 5 tiêu chí được sửa đổi là: Tiêu chí số 7 về chợ nông thôn, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về về cơ cấu lao động, tiêu chí số 14 về giáo dục và tiêu chí số 15 về y tế.
Theo đó, tiêu chí về thu nhập được sửa lại là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (triệu đồng/người), chỉ tiêu chung cho cả nước năm 2012 là 18 triệu đồng, năm 2015 là 26 triệu đồng và năm 2020 là 44 triệu đồng. Tiêu chí thu nhập bình quân cho vùng được tính theo đặc thù của vùng và có quy định cụ thể. Chỉ tiêu đạt chuẩn theo từng năm giữa các giai đoạn do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp cùng với Bộ KH&ĐT hướng dẫn chi tiết. Các xã đạt chuẩn phải có tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của xã không thấp hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tối thiểu khu vực nông thôn của vùng.
Đối với tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động cũng được đổi thành tiêu chí “tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên”. Theo đó, thay vì tính theo tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thì quy định mới tính theo “tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động”. Đối với chỉ tiêu này, quyết định nêu rõ chỉ tiêu chung và từng vùng là đạt từ 90% trở lên.
Về tiêu chí chợ nông thôn, nội dung “chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng” được thay thế bằng nội dung “chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định”.
Tiêu chí về giáo dục được sửa lại với chỉ tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thay vì phổ cập giáo dục trung học như cũ.
Về nội dung tỷ lệ người dân tham gia các hình thức Bảo hiểm y tế trong tiêu chí số 15 được sửa lại thành chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế từ 70% trở lên, chung cho cả nước và chỉ tiêu cụ thể cho các vùng ở mức “đạt”.
Có thể nói, với việc điều chỉnh 5 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới sẽ góp phần giúp các bộ, ngành và địa phương triển khai một cách đồng bộ và phù hợp hơn với thực tế.
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có tác động tích cực tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Để Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới ngày càng đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó người dân có vai trò hết sức quan trọng. Huy động được sức mạnh của toàn dân không chỉ trở thành động lực mà còn thúc đẩy mối đoàn kết toàn dân để Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được những thành công rực rỡ, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế- xã hội cả nước.
Trong năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2013, có 200 xã được chính thức công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, giảm số xã đạt 5 tiêu chí xuống còn dưới 40%; hoàn thành quy hoạch nông thôn mới cho 100% số xã trong cả nước, trong đó 50% số xã có quy hoạch chi tiết và 100% số xã hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới. Mong rằng với sự chung sức của toàn Đảng, toàn dân, trong năm 2013, phong trào xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục đạt được những thành công lớn, đem lại sự đổi thay tích cực trên mỗi vùng nông thôn Việt Nam.../. | ||
Hà Anh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn