ông Lê Thế Chỉ, Phó tổng giám đốc Vinacafe cho biết, tổng doanh thu của đơn vị năm 2012 là 5.068 tỷ đồng, bằng 98% so với năm 2011. Hiệu quả sản xuất kinh doanh kém hơn nhiều so với năm trước: lợi nhuận 105 tỷ đồng, bằng 70% kế hoạch và chỉ bằng 55% so với năm 2011. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu - ROE (lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu) của Vinacafe là 10%, tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản (ROA) chỉ được 2,1%. Qua các chỉ tiêu trên cho thấy, trong năm 2012, Vinacafe sử dụng vốn chưa hiệu quả.
Nhiều thành viên của Vinacafe đã sử dụng vốn đúng mục đích, trả được nợ đến hạn, trong đó có các đơn vị thuộc khối sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, chỉ 7 đơn vị sản xuất, kinh doanh thua lỗ.
Sản xuất canh tác càphê tại các DN thành viên của Vinacafe năm vừa qua gặp muôn vàn khó khăn, do hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên, khiến năng suất càphê giảm 20-25% so với năm ngoái. Sản lượng càphê thu hoạch niên vụ 2012-2013 của tổng công ty đạt 29.144 tấn càphê nhân, bằng 78% so với năm 2011. Vinacafe đầu tư hệ thống nhà máy chế biến chất lượng với tổng công suất hơn 100.000 tấn/năm, được bố trí tại các vùng nguyên liệu: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Dương… Kết quả sản xuất một số sản phẩm chế biến sâu như sau: sản lượng càphê sữa hòa tan 20.597 tấn (bằng 98% kế hoạch); sản lượng càphê bột 171 tấn (đạt 143% kế hoạch); bột ngũ cốc dinh dưỡng 5.984 tấn (đạt 120% kế hoạch). Tuy vậy, một số nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng do thiếu vốn lưu động, vốn vay ngân hàng hạn chế, không đủ mua nguyên liệu cho chế biến.
Năm 2012, cả nước XK được 1,7 triệu tấn càphê, đạt kim ngạch 3,7 tỷ USD. Thế nhưng Vinacafe chiếm tỷ trọng rất thấp trong kết quả này, chỉ XK được 9.795 tấn, kim ngạch 20 triệu USD, đạt 49% kế hoạch và chiếm chưa tới 0,6% tổng lượng càphê XK của cả nước. Rõ ràng, Vinacafe chưa thể hiện được vai trò đầu tàu trong lĩnh vực này. Nguyên nhân là do XK hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, lãi suất cao, thời hạn ngắn, tạo nên áp lực về tài chính.
Ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinacafe cho biết, nhiều DN nhà nước thành viên của Vinacafe đã chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, nhưng chưa được xử lý những tồn tại về tài chính trước khi chuyển đổi, đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lỗ lũy kế tại thời điểm chuyển đổi theo biên bản xác nhận của liên bộ Tài chính và Nông nghiệp và PTNT đến nay vẫn chưa được xử lý, do vậy việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Lũy kế vốn nợ của Vinacafe hiện lên tới 461 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ 65 tỷ đồng, 28 công ty con 397 tỷ đồng. Công văn số 464/VPCP-KTTH ngày 24/8/2006 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý tồn tại tài chính cho Vinacafe trong sắp xếp đổi mới DN, nhưng đến nay, tổng số tiền khoanh nợ hơn 141,6 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT vẫn chưa ra được quyết định xóa nợ. Ngoài ra, Vinacafe còn nợ các khoản vay ODA để đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển với tổng số tiền quy đổi 272 tỷ đồng, đã quá hạn phải trả nợ. Vinacafe đã báo cáo tình hình lên Bộ Tài chính và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đề nghị cấp ngân sách Nhà nước để xử lý xóa nợ vốn vay ODA nhưng vẫn chưa có hồi âm. Khả năng thanh toán của công ty mẹ và các đơn vị thành viên vô cùng khó khăn. Khả năng thanh toán hiện hành (tổng tài sản/ tổng nợ phải trả) của công ty mẹ là 1,76 lần và toàn tổng công ty là 1,59 lần. Tỷ lệ giữa nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của tổng công ty là 3,23 lần. Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị thành viên, Vinacafe rất cần có sự giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành về cơ chế để có biện pháp tháo gỡ.
Với thực trạng của Vinacafe, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Càphê Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Theo đó, sẽ cho phá sản một DN, thoái vốn của công ty mẹ tại 6 DN, chuyển giao nguyên trạng 1 DN về cho UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý. Như vậy, Vinacafe sẽ duy trì công ty mẹ là DN 100% vốn nhà nước với 13 đơn vị hạch toán phụ thuộc; 25 DN thành viên hạch toán độc lập nhưng được công ty mẹ nắm giữ 100% vốn nhà nước; 6 DN cổ phần trong đó có một phần vốn nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn chỉ đạo: Vinacafe phải nhìn thẳng vào những khó khăn thách thức hiện nay thì mới có thể tái cơ cấu để phát triển bền vững. Nền tài chính của tổng công ty đang đứng trước lỗ lũy kế gần 500 tỷ đồng, nợ phải trả vốn ODA tới 272 tỷ đồng. Quan điểm của Bộ là không làm thay, không can thiệp sâu vào công việc của Vinacafe. Vì vậy, Vinacafe cần thận trọng lựa chọn cổ đông chiến lược, góp vốn, rà soát quy chế nội bộ, giải quyết dứt điểm các đơn vị đang thua lỗ. Cần phải có giải pháp không cho lỗ lũy kế tiếp tục tăng, phấn đấu năm 2013, Vinacafe phải đạt lãi hơn 10%”.
Chu Khôi
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn