Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được thí điểm thực hiện tại xã Quảng Thắng, TP Thanh Hóa với 2,5 ha là sự kỳ vọng của hàng chục hộ dân trồng rau trên địa bàn xã và hàng nghìn người tiêu dùng. Được đầu tư tương đối bài bản về đường, nhà lưới, giếng khoan, song sau 2 năm triển khai, mặc dù mô hình đã làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức cũng như thói quen canh tác của người dân nhưng hiệu quả kinh tế đem lại vẫn chưa tương xứng với công sức và sự kỳ vọng của các hộ dân.
Theo tính toán của các hộ trồng rau, nếu điều kiện thuận lợi thì 1 ha rau an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có thể thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm, thế nhưng do không có đơn vị nào trực tiếp đứng ra tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra rất khó khăn, mỗi ngày các hộ dân trồng rau sạch mới chỉ tiêu thụ khoảng 30-40 kg rau cho các trường tiểu học, còn lại 90% rau an toàn sản xuất ra người dân phải đem ra chợ bán với giá như các loại rau thông thường, trong khi chi phí và công đầu tư cho 1 sào rau an toàn cao hơn 30% so với rau thông thường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do phải bán rau giống như các loại rau sản xuất theo quy trình thông thường nên nhiều hộ dân tham gia mô hình ở đây đang có xu hướng không tuân thủ quy trình sản xuất, chăm sóc nghiêm ngặt theo quy định. Nếu tình trạng này tiếp diễn mà không có giải pháp hiệu quả thì e rằng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap sẽ có nguy cơ bị “chết yểu”.
Giống như mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, mô hình trồng cây măng tây xanh tại xã Tiến Nông, huyện Triệu Sơn cũng đang rơi vào nguy cơ “chết yểu”. Năm 2011, sau khi tìm hiểu, tham khảo mô hình trồng măng tây xanh tại các tỉnh phía Nam, chính quyền xã Tiến Nông đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ một số hộ dân đưa cây về trồng thử nghiệm. Kết quả bước đầu cho thấy, cây măng tây xanh khá phù hợp với vùng đất của xã nên năng suất và chất lượng không thua kém gì so với các tỉnh phía Nam. Sản phẩm ban đầu thu hoạch được cũng đã có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu với giá 80.000 – 100.000 đồng/kg măng loại 1, 50.000-60.000 đồng/kg măng loại 2 và 30.000-40.000 đồng/kg măng loại 3. Thấy được hiệu quả cây măng tây đem lại, chính quyền xã Tiến Nông đã quy hoạch 2 ha để nhân rộng cây măng tây xanh. Những tưởng sẽ giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thế nhưng, khi diện tích trồng măng tây xanh được nhân rộng, sản lượng thu về nhiều thì doanh nghiệp lại không đủ sức để bao tiêu hết, vậy nên, hiện tại cây măng tây lại phải đưa vào chợ để bán lẻ với mức giá bình dân, không bảo đảm thu nhập, làm nản lòng các hộ trồng.
Cũng là mô hình mới, nhưng mô hình trồng và nhân rộng cây thanh long ruột đỏ đã và đang phát huy hiệu quả. Từ một vài mô hình nhỏ ở thị xã Bỉm Sơn và huyện Thạch Thành, đến nay, mô hình đã được Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa nhân rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh với số lượng lên tới 28 trang trại. Sở dĩ mô hình được nhân rộng mà vẫn phát huy hiệu quả là do tìm được nguồn tiêu thụ, bên cạnh đó, trước khi đưa vào trồng các địa phương đều có rà soát, quy hoạch rõ ràng chứ không thực hiện một cách ồ ạt. Không chỉ mô hình trồng thanh long ruột đỏ mà nhiều mô hình khác, như: mô hình nuôi cá vược, cá rô đầu vuông, nuôi cua đồng do tìm được thị trường tiêu thụ nên đã và đang phát huy được hiệu quả, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ dân.
Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cho thấy, mấu chốt của sự thành công là ở khâu tiêu thụ. Sở dĩ, những mô hình nông nghiệp đã hoặc đang đứng trước nguy cơ “chết yểu” trên địa bàn tỉnh là bởi được triển khai theo kiểu phong trào, thấy hay, hiệu quả thì đua nhau làm mà không quan tâm đến vấn đề tiêu thụ, thế nên mới dẫn đến tình trạng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, hoặc nếu có thì giá bán thấp không bảo đảm lợi ích cho người sản xuất.
Thêm một nguyên nhân là khi triển khai mô hình, các hộ nông dân đều được hỗ trợ về vốn, giống và kỹ thuật, do đó nhiều hộ nông dân tham gia mô hình cốt để được nhận hỗ trợ, làm xuất hiện tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ, đến khi kết thúc chương trình, không còn cơ chế hỗ trợ nữa thì người dân bỏ, không làm tiếp khiến các mô hình sản xuất nông nghiệp dễ rơi vào tình trạng “chết yểu”, gây lãng phí sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của Nhà nước.
Xuất phát từ thực tế trên, thiết nghĩ, để các mô hình sản xuất nông nghiệp được thực hiện và phát huy hiệu quả, trước hết chính quyền địa phương và các ban, ngành cần có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cụ thể trước khi đưa vào triển khai. Đồng thời, các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Còn về phía ngành nông nghiệp, khi xây dựng các mô hình cần gắn với thị trường, mối liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước). Bên cạnh đó, tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhằm đáp ứng nhu cầu đích thực của người dân, chú ý tính hiệu quả và thiết thực. Và quan trọng hơn, khi tiến hành xây dựng và triển khai các mô hình cần chọn đúng đối tượng là những hộ dân hoàn toàn tự nguyện, có ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu thực sự...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn