Hiện, huyện Bắc Hà có khoảng 60ha đào Pháp, trồng tập trung ở thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) và các xã lân cận như Tà Chải, Na Hối, Lầu Thí Ngài, Thải Giàng Phố.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, năm nay, thời tiết khá thuận lợi, cộng với người dân áp dụng tốt kỹ thuật chăm sóc, nên cây đào phát triển tốt, cho nhiều quả. Ước tính tổng sản lượng đào Pháp năm nay đạt trên 300 tấn.
Vụ thu hoạch đào Pháp ở Bắc Hà bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào khoảng đầu tháng 5, trong đó, thời điểm đào chín rộ là vào khoảng cuối tháng 4.
Dự báo, việc tiêu thụ quả đào Pháp năm nay sẽ khá thuận lợi, bởi đào chín rộ đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đây là thời điểm lượng khách du lịch lên Bắc Hà tăng cao. Hiện tại, giá bán quả đào ở thị trấn Bắc Hà dao động từ 15.000 đồng – 30.000 đồng/kg tùy loại.
Hơn 75ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện có 75 ha ngô vụ xuân đang bị sâu keo mùa thu gây hại, mật độ phổ biến 1-2 con/cây, cao 3 con/cây, cục bộ 5-7 con/cây, chủ yếu tập trung tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát (Lào Cai).
Sâu keo mùa thu thuộc loại kiểm dịch thực vật của Việt Nam, là loại sâu có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Đây là loài đa thực, khả năng gây hại lớn, khó phòng trừ, có nguy cơ gây mất năng suất nếu không phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.
Sâu keo mùa thu gây hại từ nõn ngô, sau đó ăn ra các lá. Ảnh: Báo Lào Cai
Đặc điểm hình thái và đặc tính gây hại của loại sâu này là: Đầu hình chữ “Y” ngược, trên lưng đốt áp sát đuôi có 4 chấm đen bố trí cân đối nhau tạo thành hình vuông; trên mỗi đốt thân có 4 chấm xếp thành hình thang, lưng có 3 sọc màu sáng chạy song song; sức ăn rất khỏe, chúng ăn rách nát hết phần ngọn trong một vài ngày và thải ra lượng phân lớn.
Sâu non sau khi nở chui thẳng vào ngọn cây ngô gây hại, chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo, cây sẽ sinh trưởng chậm và có thể sẽ chết héo do không còn khả năng quang hợp.
Hiện tại sâu keo mùa thu chưa có thuốc phòng và trị hiệu quả. Trên thực tế, loại sâu này mới xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2018 và đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chỉ đạo các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích ngô bị nhiễm sâu; đồng thời, đưa ra khuyến cáo nhân dân phun phòng trừ sâu keo mùa thu bằng một số loại thuốc như: thuốc Captain 350SC; Opulent 150SC; Virtako 40WG; Takumi 20WG, 20SC; Dupont Prevathon 5SC...
Cây cam Vinh trên đất Liên Hưng
Năm 2012, người dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ, Sơn La) bắt đầu trồng cây cam Vinh trên vùng đất dốc, thay thế cho cây ngô, cây bưởi lâu năm đã cằn cỗi, giảm năng suất, chất lượng.
Nhân dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa (Vân Hồ) chăm sóc cây cam Vinh. Ảnh: Báo Sơn La
Về bản Liên Hưng lần này, chúng tôi thấy có nhiều đổi mới, đó là con đường bê-tông rộng rãi, phẳng phiu; nhiều ngôi nhà mới được xây dựng; những vườn cây ăn quả được quy hoạch quy củ, với đủ loại cam, bưởi, mận... nhưng theo Trưởng bản Nguyễn Văn Thủ thì cam Vinh mới là loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế khá nhất. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi tới mấy hộ trồng cam Vinh trong bản, vừa đi ông vừa kể qua phương tiện thông tin đại chúng và những chuyến tham quan thực tế những vùng đã trồng cây cam Vinh, một số hộ nông dân bản Liên Hưng quyết định đốn bỏ gốc bưởi để cải tạo, ghép giống cam Vinh.
Từ 5 hộ trồng ban đầu, đến nay cả bản có 20 hộ trồng giống cam này, nâng diện tích lên 20 ha. Vừa làm, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, cây cam Vinh đã phát triển rất tốt trên đồi đất bản Liên Hưng, cho sản phẩm quả có sản lượng, chất lượng vượt khỏi sự kỳ vọng của người dân. Hóa ra, giống cam Vinh khá phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, sinh trưởng phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, năng suất cao, quả ngọt, ít hạt, lại mọng nước...
Đến nhà ông Nguyễn Văn Hùng, một trong những hộ tiên phong đưa cây cam Vinh về trồng ở bản, ông Hùng bảo: Tôi đã biết đến hiệu quả của cây cam Vinh từ lâu, sau thời gian lên lập nghiệp tại xã Tô Múa, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng này khá phù hợp với cây cam Vinh, có thể phát triển tốt tại địa phương, nên đã quyết định chuyển diện tích đất trồng ngô, trồng bưởi sang trồng cam. Những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, tôi áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Vườn cây rộng hơn 2 ha, tôi trồng trên 1.200 cây cam Vinh, vụ năm ngoái thu hoạch hơn 25 tấn quả, sau trừ chi phí vẫn lãi hơn 200 triệu đồng.
Cây cam Vinh trên đất bản Liên Hưng mới cho thu hoạch được 3 năm nay nhưng bước đầu đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng về chất lượng. Việc tiêu thụ cam trong thời gian qua tương đối thuận lợi, nhiều tiểu thương trong và ngoài huyện đã liên hệ thu mua để bán tại các chợ, cửa hàng hoa quả sạch.
Công phu nghề sản xuất lúa giống
Thôn Đồng Thắm, xã Hoàng Khai (Yên Sơn, Tuyên Quang) là vùng chuyên canh lúa giống duy nhất của tỉnh. Một ngày theo người nông dân dãi nắng, dầm mưa cùng lúa mới thực sự hiểu hơn những nhọc nhằn của nghề ít người nông dân bám trụ được.
Chị Bàn Thị Minh, thôn Đồng Thắm, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) thụ phấn cho lúa. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Chị Bàn Thị Minh, thôn Đồng Thắm có hơn 30 năm làm nghề sản xuất lúa giống. Chị Minh cho biết, làm lúa giống cực nhọc gấp năm, gấp mười lần lúa thương phẩm. Riêng khâu đất phải được cày ải, làm kỹ, sạch cỏ nếu không cấy lúa non xuống dễ bị ngộ độc kém phát triển.
Làm lúa giống thuần đã khó, các giống lúa lai 2 dòng, lúa lai 3 dòng như LC270; Tạp giao... (giống lúa được đánh giá là có năng suất tốt nhất hiện nay) còn khó vô cùng. Những người nông dân làm lúa giống như chị Minh hoàn toàn phải cấy tay để bảo đảm mật độ 1 hàng lúa bố xen 8 hàng lúa mẹ. Như vậy khi trỗ lúa dễ dàng thụ phấn cho nhau, yêu cầu khắt khe nữa là cây bố phải cao hơn lúa mẹ ít nhất từ 10 cm - 20 cm nên quá trình chăm sóc người nông dân lại phải đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của cây lúa bố. Chị Minh chia sẻ, nhiều vụ thời tiết bất lợi, lúa bố phát triển kém chị ăn không ngon, ngủ không yên, buộc phải có chế độ chăm sóc đặc biệt để cây lúa bố bảo đảm được chiều cao.
Chăm sóc lúa giống đã vậy, thời kỳ thụ phấn cho lúa còn vất vả hơn rất nhiều vì lúa mẹ không thể thụ phấn được nên quãng thời gian 10 ngày lúa trỗ bông thụ phấn là cả 10 ngày người nông dân Đồng Thắm dầm mưa, dãi nắng ngoài đồng. Chị Bàn Thị Minh bảo, lúa nhiều đặc tính hay lắm! Trổ bông bất kể giờ giấc nhưng hoa lúa lại chỉ vào quãng giữa trưa. Có hôm lúa được giờ nở sớm nhưng cũng có hôm 12 giờ trưa mới nở nên những người nông dân như chị phải ra đồng để ngồi canh khi hoa lúa bung nở là thực hiện thụ phấn. Thụ phấn cho lúa cũng phải 2 người, mỗi người cầm 1 đầu dây bằng diện tích ruộng nhẹ nhàng kéo qua cây lúa bố để phấn hoa của bông lúa bố bay sang thụ phấn cho bông lúa mẹ. Rồi tiếp tục chờ đợi 5 - 10 ngày nữa khi hạt lúa trên bông căng sữa họ mới yên tâm.
Cực nhọc là vậy nhưng năng suất lúa giống trung bình chỉ đạt từ 120 - 130 kg/sào, kỷ lục cũng chỉ đạt 150 kg/sào, thấp hơn lúa thương phẩm khoảng 70 - 80 kg/sào, đổi lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 3 - 4 lần.
Thôn Đồng Thắm, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) có đủ các điều kiện để hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa giống bởi hệ thống thủy lợi tưới tiêu đã được đồng bộ, đất đai phì nhiêu biệt lập với các khu vực, trình độ canh tác của bà con nông dân ở đây rất cao. Kết quả khảo sát nhiều năm của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, đây là cánh đồng được bà con nông dân thực hiện chuyên canh theo quy trình “5 cùng” tốt nhất: Cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu, bệnh hại và cùng thu hoạch.
Xây dựng cánh đồng Đồng Thắm trở thành vùng chuyên canh sản xuất lúa giống hàng hóa, ngày 9-5-2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 454/QĐ-UBND thực hiện Dự án Xây dựng cánh đồng lớn sản xuất giống lúa lai, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tại thôn Đồng Thắm. Công ty cổ phần Giống vật tư nông, lâm nghiệp Tuyên Quang được giao chủ trì thực hiện dự án, liên kết các hộ dân sản xuất lúa giống. Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2022 với tổng kinh phí 18,1 tỷ đồng.
Ông Trần Quang Phương, Giám đốc Trại sản xuất giống lúa Đồng Thắm cho biết, mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa đơn vị với người nông dân đã đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Đơn vị có sản phẩm, người nông dân gia tăng giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. So sánh với sản xuất lúa thương phẩm, sản xuất lúa giống người nông dân đã gia tăng thu nhập lên 20 - 30%. Nếu những năm trước chương trình hợp tác với bà con chỉ thực hiện ở quy mô 17 ha/vụ thì đến năm 2018 tăng lên trên 20 ha/vụ, với sản lượng lúa cả 2 vụ khoảng 70 tấn, trong đó nhiều nhất là giống lai 2 dòng, lai 3 dòng như Tạp giao 1; Nhị ưu 838; LC270. Toàn bộ lượng hạt giống sản xuất ra đã được trại thu mua để cung ứng ra thị trường đáp ứng nhu cầu nguồn giống lai chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Theo kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn