05:30 EDT Thứ sáu, 19/07/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tín dụng Nghị định 67: Đâu là “điểm nghẽn”?

Thứ năm - 08/01/2015 22:15
Hơn 4 tháng qua, kể từ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực, nguồn vốn mà ngành ngân hàng cam kết dành cho chương trình đã sẵn sàng, hàng nghìn tỷ đồng đang đợi giải ngân cho hộ ngư dân muốn có tàu cá mới hoặc nâng cấp. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã phân bổ cho 28 địa phương 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Nhưng đến nay mới có 6 UBND tỉnh, thành phố chấp thuận cho 152 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Vậy đâu là “điểm nghẽn” của dòng vốn tín dụng này?

Tiền đợi tàu, vì sao?

Theo phân bổ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Quảng Ninh được phân bổ 39 chiếc tàu, trong đó tàu khai thác 34 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần 5 chiếc. Tuy nhiên đến nay, n­guồn vốn vẫn chưa được giải ngân với lý do, đến ngày 24/12, 7/8 địa phương mới thẩm định xong hồ sơ của ngư dân, gồm 32 hồ sơ đóng mới tàu cá (23 vỏ thép và 9 vỏ gỗ), 13 trường hợp cải hoán nâng cấp lên tàu 400CV. Trong 7 địa phương đã đăng ký chỉ có TP.Uông Bí, TP. Móng Cái và thị xã Quảng Yên là xét đủ chỉ tiêu được tỉnh phân bổ (Uông Bí và Móng Cái 2/2 tàu khai thác; Quảng Yên đủ 10/10 tàu được phân bổ). Còn lại các địa phương khác đều chưa đủ hoặc không xét được, dẫn đến còn 3 chỉ tiêu tàu khai thác và 4 chỉ tiêu tàu dịch vụ chưa chọn được chủ đầu tư.

Tàu thuyền neo đậu tại khu vực Cái Rồng, huyện Vân Đồn.

Việc chậm trễ trong xét duyệt các danh sách hồ sơ này, theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh: Nguyên nhân chính là do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố mẫu tàu và giá thành tàu quá chậm, phải đến cuối tháng 11 mới công bố mẫu 21 tàu vỏ thép. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư không đồng ý với mẫu tàu cá do Bộ thiết kế nên thay đổi quan điểm lựa chọn nhiều lần, gây khó khăn cho việc tổng hợp hồ sơ. Nhiều ngư dân do không đồng ý với mẫu tàu của Bộ đã xin rút khỏi danh sách đăng ký vay vốn.

Quảng Ngãi là địa phương có số tàu cá đăng ký vay vốn đã được phê duyệt dẫn đầu cả nước với 40/152 tàu. Thực tiễn thấy, vấn đề nổi cộm hiện nay là “nút thắt” ở khâu thiết kế mẫu tàu và quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, Quảng Ngãi đã phê duyệt danh sách hộ ngư dân đợt 1 được vay vốn gồm 40 tàu. Trong đó, Agribank mới ký kết hợp đồng tín dụng số tiền 20,4 tỷ đồng. Rào cản lớn nhất hiện nay, theo ông Thọ, là do các thiết kế mẫu tàu.

“21 mẫu tàu của Bộ Nông nghiệp và PTNT là đại diện cho các vùng biển trên cả nước. Tuy nhiên, từng chủ tàu do kinh nghiệm, đặc điểm ngư trường lại muốn đóng tàu phù hợp để điều khiển con tàu được tốt nhất. Do vậy, 21 mẫu thiết kế tàu chỉ là mẫu thôi chứ không thể dùng thiết kế đóng con tàu theo mẫu này đuợc. Bởi, qua thực tế, ngư dân lựa chọn mẫu tốt hơn, thậm chí họ còn bổ sung vào thiết kế để tối đa hóa nhu cầu hoặc kỹ năng sử dụng. Bởi thế, dù có thiết kế 100 mẫu đi nữa cũng không đáp ứng hết yêu cầu của từng ngư dân”, ông Thọ nói.

Đồng quan điểm này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi, Phan Huy Hoàng cho biết, nguyên nhân chưa giải ngân vốn là do còn phải tuân thủ theo tuần tự thủ tục: từ UBND tỉnh phê duyệt, đến công ty tư vấn lập thiết kế, dự toán, sau đó chủ tàu liên hệ công ty để đặt hàng đóng tàu, sau đó ngân hàng mới ký hợp đồng tín dụng cho vay.

“Thiết kế mẫu tàu đăng trên trang web của Bộ Nông nghiệp và PTNT, mỗi bản thiết kế từ 80-90 bản vẽ, kèm theo khái toán để chủ tàu lựa chọn vay sử dụng đóng tàu của mình, ngư dân vào trang web của Bộ in bộ thiết kế này ra cũng không hề đơn giản. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang in ấn mẫu tàu để gửi cho các địa phương, cung cấp cho chủ tàu, làm cơ sở để ngân hàng cho vay”, ông Hoàng chia sẻ.

Ngân hàng e dè

Ông Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phân tích: Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67 là cần thiết nhưng phải trên cơ sở thận trọng, đảm bảo chặt chẽ các tiêu chí theo đúng quy định. Cần xác định kỹ các đối tượng đăng ký đóng tàu là đang hoạt động nghề cá hiệu quả; có khả năng quản lý; khả năng tài chính; phương án sản xuất cụ thể, đảm bảo tốt.

Việc cho vay vốn với những đối tượng đề nghị vay vốn nâng cấp tàu lên 400CV, ông Đoan lý giải: Có thể những chủ tàu này đang hoạt động ở tàu công suất 105CV là rất hiệu quả, thế nhưng, nếu chuyển sang tàu 400CV thì chưa chắc, bởi tàu mới, ngư trường mới liệu khả năng quản lý của họ có đáp ứng được không. Hơn nữa, chưa kể một số trường hợp do muốn được vay vốn nên bằng mọi cách xoay xở vốn đối ứng. Nếu lấy nhà để thế chấp thì nhà đất ở nông thôn rất khó bán; còn đi vay nóng làm vốn đối ứng lại càng nguy hiểm. Việc này trước đây ngân hàng đã có bài học và phải xoá nợ cho trường hợp vay vốn đóng tàu ở Móng Cái rồi nên các ngân hàng rất cẩn trọng.

Những lo ngại của các ngân hàng không phải không có cơ sở bởi ngân hàng nào cũng phải đảm bảo đồng vốn cho vay có hiệu quả. Hơn nữa, chính một số địa phương mặc dù đã xét duyệt hồ sơ vay vốn của các chủ tàu nhưng cũng lo ngại, nhất là khoản vốn đối ứng và khả năng được vay vốn của các chủ tàu khi hồ sơ đã chuyển đến các ngân hàng.

Trong khi ngân hàng e dè, lo ngại và tư vấn chỉ nên chọn 5-6 hồ sơ trong tổng số hồ sơ này thì một số địa phương vẫn đề xuất tăng hồ sơ do nhu cầu. Theo thống kê của Tổ công tác giúp việc, Hội đồng thẩm tra, thẩm định cấp tỉnh thực hiện Nghị định 67 thì nhu cầu đăng ký đóng mới tàu cá của ngư dân trên địa bàn là 147 tàu nhưng chỉ tiêu phân bổ ít, 39 tàu, bằng 26,5%  tổng nhu cầu của ngư dân.

Ông Kim Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà (Quảng Ninh) có ý kiến: “Nên xem xét hợp lý để các chủ tàu hoạt động hiệu quả thực sự có điều kiện vay vốn, nếu không có lẽ chẳng địa phương nào được vay cả”.

Còn ông Nguyễn Văn Ninh, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), cho biết: “Nhiều chủ tàu lo ngại phức tạp và rắc rồi về thủ tục ngân hàng nên đã tự vay vốn ở ngoài chứ không đăng ký danh sách vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ”.

Ngư dân cũng vướng tâm lý

Trong thực tế còn có một lý do “bất ngờ” nữa làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn Nghị định  67. Đó là, theo phong tục, các chủ tàu “kiêng” đóng tàu 2 năm (âm lịch), vì vậy đa số có tư tưởng đợi sang năm mới ký hợp đồng đóng tàu và vay ngân hàng. Ngư dân Nguyễn Sáu, thôn Thạnh Bình 1, xã Phổ Thạnh (Sa Huỳnh - Quảng Ngãi) cho biết: “Tôi làm thủ tục vay ngân hàng để đóng mới tàu gỗ trị giá 6 tỷ đồng, đang đợi được phê duyệt thiết kế và dự toán kinh phí tàu do tỉnh phê duyệt. Do kiêng đóng tàu 2 năm “âm lịch”, tôi đã ứng trước gần 2 tỷ đồng (30%) vốn đối ứng theo quy định của Nghị định 67 để đóng tàu cho kịp trước Tết âm lịch nhằm tránh đến khi ký hợp đồng với ngân hàng mới triển khai thì muộn”.

Không có nhiều ngư dân có tiềm lực như ông Nguyễn Sáu, đa số không đáp ứng được yêu cầu 30% vốn đối ứng với tàu gỗ và 5% với tàu sắt cũng là một khó khăn.

Ông Lê Hồng, Phó giám đốc phụ trách Agribank chi nhánh Quảng Ngãi, cho biết, trong số 18 hồ sơ được tỉnh phê duyệt vay vốn của Agribank, có 3 trường hợp đang vướng về vốn tự có. Những trường hợp này, do không tính toán kỹ ngay từ đầu, khi đăng ký qua xã, đã trình lên rồi, song họ lại cân nhắc, tìm hiểu kỹ lại và nhiều khả năng họ không có nhu cầu vay vốn.

Qua trao đổi với ngư dân, hàng loạt các vấn đề bà con đặt ra cho việc tiếp cận nguồn vốn Nghị định 67 như: quy định tàu khi nâng cấp phải sử dụng máy mới 100% nhưng không có quy định bắt buộc phải sử dụng máy mới 100% đối với đóng mới tàu. Vì thế, người dân lại có xu hướng sử dụng máy cũ để giảm giá thành khi đóng mới tàu. Các cơ sở đóng tàu, hoặc không đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 26/2014/TT-BNNPTNT hoặc ở xa nơi ngư dân có nhu cầu đóng tàu, đã gây khó khăn, tốn kém và mất thời gian cho bà con trong quá trình lai dắt tàu về địa phương để đưa vào khai thác…

Như vậy, “điểm nghẽn” của dòng vốn tín dụng thực hiện Nghị định 67 đã được xác định: chậm khâu thủ tục trình duyệt thiết kế, dự toán tàu; thiếu khả năng vốn đối ứng của ngư dân; tập quán phong tục kiêng đóng tàu trong 2 năm...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình ngay những ngày đầu triển khai Nghị định 67 đã liên tưởng về “con số” của Nghị định 67 tới hình ảnh chiếc xe Hon da 67. Thống đốc cho rằng, chiếc xe Hon da 67 chạy rất bền và đến nay nhiều người còn sử dụng. Vì vậy, khi triển khai Nghị định 67, cần lưu ý tới tính bền vững, không thể  “ăn xổi ở thì”, phải xác định đây là chủ trương bền chặt, lâu dài. Do vậy, không thể triển khai theo kiểu phong trào.

Ngọc Quyết - Thanh Hằng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 333

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 331


Hôm nayHôm nay : 27675

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 840048

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 64825992