13 năm đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã giúp hàng triệu hộ gia đình vượt qua khó khăn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Năm 2003, năm đầu tiên NHCSXH triển khai hoạt động theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trong bối cảnh tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn cao, thiếu trầm trọng vốn sản xuất. Các cơ chế, quy định về hoạt động của NHCSXH cũng chưa kịp xây dựng, cũng như chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và thế giới.
Đứng trước những khó khăn khách quan từ thuở ban đầu ấy, bằng tinh thần, ý chí của tập thể ban lãnh đạo đến cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống, lại được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các bộ, ngành ở Trung ương, cấp uỷ, chính quyền các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn, đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Thành công nữa phải kể đến đó là, sau 13 năm, NHCSXH đã thiết lập được mô hình quản trị và điều hành tác nghiệp gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, xây dựng tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua hoạt động ủy thác cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Việc ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương giúp cho vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, chất lượng và hiệu quả tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp lực lượng; củng cố, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động hội; góp phần đưa hoạt động của chính quyền cơ sở, của các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó mật thiết hơn với đời sống của nhân dân, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của các đoàn thể chính trị - xã hội; củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở.
Thông qua hệ thống gần 11.000 điểm giao dịch xã, NHCSXH đã huy động được trên 146.000 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến nay đạt gần 143.000 tỷ đồng, gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nợ quá hạn, nợ khoanh chiếm tỷ lệ thấp (0,78%).
Sau 13 năm hoạt động, NHCSXH đã cho trên 27,9 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn, giúp gần 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, hơn 3,4 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 7,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 490.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; gần 107.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 17% năm 2001 xuống còn 4,5% vào cuối năm 2015.
Hơn 13 năm qua, NHCSXH đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Quyết định phù hợp, kịp thời về tín dụng chính sách giúp các đối tượng chính sách có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn cử như Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo; gần đây nhất là Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg cho vay hộ mới thoát nghèo… Những chính sách mới này đã tiếp thêm sức mạnh để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng có Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH đã tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước đưa việc triển khai, thực hiện Chỉ thị vào cuộc sống, đến các cấp, ngành và về từng xã, phường, thị trấn. Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách cũng như sự quan tâm, vào cuộc sâu sát hơn đối với tín dụng chính sách của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.
Theo tiến trình đổi mới, NHCSXH đã triển khai có bài bản dự án hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, tổ chức thành công hệ thống ứng dụng Core Banking để ngày càng phục vụ khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhanh chóng và hiệu quả. Song song đó, những hoạt động đối ngoại và công tác truyền thông đã giúp NHCSXH ngày càng chủ động hơn trong việc mở rộng quan hệ quốc tế cũng như tăng cường kết nối với các cơ quan báo chí trong, ngoài nước, trong, ngoài ngành, góp phần quảng bá hình ảnh hoạt động của NHCSXH, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, thu hút các nguồn vốn để phục vụ chương trình giảm nghèo của Nhà nước ngày càng tốt hơn.
Thành tích hoạt động của NHCSXH xứng đáng được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành biểu dương, khen thưởng nhiều phần thưởng, cao quý. Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ. “Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước”.
Với những kết quả đạt được trong suốt 13 năm qua đã xây dựng được nền tảng vững chắc, tạo khí thế mới, động lực mới giúp hệ thống tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tập trung khai thác mọi nguồn lực để 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp, tăng trưởng dư nợ hàng năm theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống dưới 2% trên tổng dư nợ, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ hoạt động về tín dụng chính sách, phối kết hợp, lồng ghép có kết quả cao giữa hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động chuyển giao kỹ thuật, khuyến công, khuyến nông… cùng hoạt động của các hội, đoàn thể nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Phương Đông
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn