Ông Đông kể, năm 1997 ông từ Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) lên Đắk Nông đầu tư trang trại. Những ngày đầu đặt chân đến đây, ông nhận thấy khu vực Đắk Nia, đất đai màu mỡ, khí hậu tương đối thuận lợi nên quyết định đầu tư trang trại trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả.
Sau nhiều năm, ông Đông nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp để phát triển cây măng cụt - một loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế tương đối cao trên thị trường. Vậy là ông tự tìm giống và dành phần lớn quỹ đất có được để trồng măng cụt.
Ông Trần Quang Đông - chủ Trang trại trái cây Gia Ân, ở xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Ông Đông chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên là huyện Hóc Môn,TP. HCM - nơi gần với huyện Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương - vùng đất có thâm niên trồng và phát triển tốt cây măng cụt. Thời gian đó, tôi cũng bỏ nhiều thời gian tìm hiểu về kỹ thuật trồng loại cây này. Nhưng khi đến Đắk Nia và quyết định trồng măng cụt vừa là cơ hội vừa là thách thức với tôi. Vì khi đó, trong vùng chưa có ai trồng và từ khi trồng đến lúc thu hoạch loại cây này phải mất 7 - 8 năm. Nhưng măng cụt có tuổi thọ càng lâu năm thì càng cho sản lượng nhiều hơn (tuổi thọ măng cụt kéo dài hơn 100 năm),…
Đó là lý do để ông Đông “liều” quyết định đầu tư 8ha diện tích trồng măng cụt trong tổng diện tích 20ha của cả trang trại gồm nhiều loại cây khác như: sầu riêng, bơ, chanh dây,…Theo ông Đông, tuy thời gian đầu tư cây măng cụt khá dài, nhưng đổi lại thời kỳ ra quả cũng dài và tương đối ổn định, không mất nhiều công chăm sóc.
Ông Trần Quang Đông phân tích thêm, nếu ở các vùng khác, nông dân thu hoạch măng cụt đại trà từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm, thì ở Tây Nguyên thu hoạch muộn hơn 3 - 4 tháng nên bán có giá cao hơn. Đây chính là lợi thế tự nhiên mà vùng đất này mang lại đối với cây măng cụt. |
Vì gần như cây măng cụt phát triển tự nhiên, không bị tỉa cành, chủ yếu thu hái và bón phân định kỳ, theo dõi và xử lý một số loại địch hại. Mặt khác, cây măng cụt chủ yếu nhân giống từ hạt và tỷ lệ thoái hóa rất thấp nên có thể chủ động về nguồn cây giống cho việc mở rộng diện tích.
Sau hơn mười năm đầu tư măng cụt, ông Đông nhận thấy đây là loại cây có thị trường rất ổn định, nên để tiếp tục xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2013, ông đã quyết định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Rồi không dừng lại ở đó, với mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài "bán cho Tây", nên năm 2016, ông quyết định trồng măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Theo ông Đông, để sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về sản xuất nông nghiệp, không chỉ về kỹ thuật mà còn phải tỉ mỉ từ việc sắp xếp theo hệ thống (gồm khâu làm đất, chọn rồi xuống giống, chăm sóc đến thu hoạch và bảo quản), ghi chép cụ thể nhật ký chăm sóc vườn cây,…
Việc ghi chép này sẽ bảo đảm cho việc truy tìm nguồn gốc của sản phẩm, nhất là những sản phẩm có vấn đề về chất lượng. Nếu có lô sản phẩm không đạt yêu cầu thì chỉ cần xem nhật ký là có thể biết lỗi ở khâu nào. Còn chi phí đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP thường cao hơn 50% so với trang trại bình thường. Tuy nhiên, sản phẩm tiêu chuẩn GlobalGAP khi đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp người trồng yên tâm về đầu ra.
Đoàn Trung tâm Khuyến nông TP. HCM trao quà lưu niệm cho ông Trần Quang Đông .
Cụ thể, với 8ha diện tích măng cụt được ông Đông phân làm 5 lô sản xuất và trồng theo hàng lối thẳng thắn. Hàng ngày có khoảng 20 công nhân chăm sóc vườn cây. Theo ông việc phân lô rõ ràng như vậy, giúp việc chăm sóc măng cụt của công nhân được thực hiện một cách khoa học, vừa tốt cho sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm để cung ứng ra thị trường quốc tế.
Mỗi năm với 8h trồng măng cụt chất lượng toàn cầu, bình quân ông Trần Quang Đông xuất bán ra thị trường khoảng 60 tấn măng cụt sạch/năm, giá bán trung bình khoảng 80.000 đồng/kg. Đều đặc mỗi năm trang trại của ông Đông thu về gần 5 tỷ đồng tiền bán măng cụt.
Hiện ngoài việc xuất cho các vựa trái cây ở các tỉnh, thành: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng thì 2 năm gần đây, măng cụt của ông còn được xuất khẩu sang Hà Lan, với giá trung bình 100.000 đồng/kg.
Chia sẻ về điều này, ông Đông cho biết thêm: “Tôi đã xây dựng thương hiệu trái cây của trang trại mình 10 năm nay và hiện đang củng cố thêm. Năm nay, tôi dán tem truy xuất nguồn gốc trên 100.000 trái măng cụt mang tên Trang trại Gia Ân, để mọi người biết đến sản phẩm sạch của mình.."
Ông Trần Quang Đông phân tích, vì trong thời kỳ kinh tế hội nhập, việc cung ứng sản phẩm ra thị trường cần phải an toàn - bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng thì mới được đón nhận. Bởi vấn đề an toàn thực phẩm hiện là "thước đo" quan trọng nhất của sản phẩm nông nghiệp được người tiêu dùng luôn quan tâm, đặc biệt là người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm càng đòi hỏi cao hơn.
"Nếu sản phẩm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn cho người tiêu dùng, thì người sản xuất không phải lo nhiều tới đầu ra. Đặc biệt khi đảm bảo được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới,… thì đó là cách để có thể tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định”, ông Đông lý giải. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn