Minh Kiểng - chủ một quán cà phê ở quận Bình Tân (TP.HCM) rủ tôi đi Đức Huệ tìm Minh Tiến đặt mua ống hút cỏ bàng. “Bà chị em làm bác sĩ ở bên Úc bảo mua thử 500 ống hút cỏ bàng gửi sang cho khách đến phòng mạch dùng. Bà sục sạo trên mạng thấy cái ống này rồi mê” - Kiểng bộc bạch.
Cho cỏ dại hữu dụng…
Nhóm doanh nghiệp Hungary khảo sát đồng bàng. Ảnh: T.Đ
Minh Tiến đang dự định mở trường dạy nghề cho lao động nông thôn, với những nghề, như: Đan lát từ tre, bàng; may vá từ vải vụn, sản phẩm tái chế, trồng lúa, làm ống hút… “Tôi muốn cho mọi người thấy sống bằng nghề nông khá đơn giản và có thu nhập nuôi sống được bản thân hay gia đình và ổn định” - anh chia sẻ. |
Xã Mỹ Thạnh Đông (Đức Huệ) nghèo khó nhưng yên bình nằm áp sát khu vực Tho Mo và Maren (Đồng Tháp Mười). Ở giữa vùng nông thôn còn phèn đỏ quạch trên đồng và người dân còn tâm lý tiểu nông thì việc xuất hiện một cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng thân thiện với môi trường và người chủ luôn trong tâm thế bảo vệ thiên nhiên là một điều đặc biệt khác lạ. Vì vậy, về xã này chúng tôi hỏi cơ sở sản xuất ống hút cỏ của Minh Tiến ai cũng biết.
Vừa bước vào ngôi nhà vách đất, mái tranh chúng tôi bắt gặp Minh Tiến đang ngồi tiếp một nhóm khách nước ngoài. Sau này tôi mới biết, đây là đoàn doanh nghiệp Hungary lần đến cơ sở của Minh Tiến để tìm hiểu quy trình sản xuất, phát triển thị trường ống hút cỏ bàng, cũng như tìm cơ hội hợp tác.
Kapir - một doanh nhân trong đoàn cho biết, thông qua mạng internet anh biết đến cơ sở sản xuất ống hút bằng cỏ bàng của Minh Tiến. “Tôi thật sự rất ấn tượng với ý tưởng và công việc của Tiến. Tôi muốn tìm cơ hội hợp tác với Tiến” - Kapir chia sẻ.
Sau cuộc nói chuyện, Kapir yêu cầu Minh Tiến cho ra cánh đồng bàng - nơi hàng ngày anh thu hoạch để sản xuất ống hút. Trên đồng bàng hoang dã phèn lạo xạo dưới chân, Tiến cho biết, mỗi ngày anh thu hoạch ở đây một “neo” (bó) bàng. Mỗi “neo” này sản xuất được khoảng 3.000 ống hút. Theo Minh Tiến, cỏ bàng khi thu hoạch phải có độ dài từ 18-20cm, đường kính ống bàng khoảng 9mm. Việc thu hoạch cỏ bàng thiên nhiên phải đảm bảo an toàn khi dùng, không nhiễm dư lượng hóa chất. Khi thu hoạch cũng phải đảm bảo cho đồng bàng tái sinh.
“Hiện tại, với quy mô sản xuất của cơ sở, thu hoạch cỏ bàng ngoài tự nhiên vẫn đủ. Tuy nhiên, cỏ bàng cỡ lớn không còn nhiều do hệ sinh thái trên đồng thay đổi dẫn đến đồng bàng không có đủ nước, đủ dinh dưỡng để nuôi cây” - Tiến thổ lộ.
Tại cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng của Minh Tiến. Ảnh: T.Đ
Minh Tiến cho biết, trước khi dùng cỏ bàng làm ống hút anh đã dùng tre và sậy. Theo Minh Tiến, tre, sậy đều làm ống hút được nhưng quá mất công sức để sản xuất và giá thành cao. Vả lại, tại xã Mỹ Thạnh Đông vùng nguyên liệu tre, sậy không nhiều. Trong khi đó, bao đời nay, cỏ bàng - một thứ cỏ dại, lại rất chịu phèn thì mọc bao la trên bưng biền. Cỏ bàng sau khi cắt về, Tiến cho nhân công cắt thành từng khúc dài khoảng 1,8cm. Sau đó, dùng dụng cụ đục bỏ các ngăn bên trong ống, làm sạch ruột ống. Ống hút được rửa sạch bằng bột vỏ sò. Nếu để ở nhiệt độ thường, ống hút cỏ bàng tươi có thể giữ được trong vòng 5 ngày.
Hiện, anh có cả ống hút cỏ bàng khô bằng cách cho ống hút vào lò sấy. Các quy trình sản xuất ông hút cỏ bàng đều làm thủ công. “Trong quá trình sản xuất, khâu cắt ống cỏ rất quan trọng, vì phải cắt làm sao cho miệng ống không xé để giảm hao hụt khi phơi khô (hiện tỷ lệ hao hụt là 15%)” - Minh Tiến chia sẻ.
Mở trường nghề cho lao động nông thôn
Hiện tại, cơ sở sản xuất ống hút cỏ bàng của anh có 3 nhân công. Mỗi ngày sản xuất khoảng 4.000 ống hút. Mỗi ống hút tươi được bán với giá 600 đồng, ống khô giá 1.000 đồng. “Mỗi năm tôi bán ra thị trường hơn 1 triệu ống hút cỏ. Cơ sở mới chỉ dừng lại ở tầm mô hình, nhưng doanh thu mỗi tháng là 50 triệu đồng cho 4 nhân công (tính cả anh), ở nông thôn như vậy là khá hiệu quả rồi” - Minh Tiến cười vui.
Theo Minh Tiến, tại địa phương hệ sinh thái đồng bưng đang thay đổi lớn. Vùng này trước đây do ngập nước nên cỏ bàng mọc ngút ngàn, giờ đất khô cằn, đồng bàng héo úa, còi cọc. Đây là hệ quả của việc xây dựng đê bao khép kín để ngăn lũ, đẩy mạnh sản xuất.
“Trước đây, đồng bàng xanh tốt là nơi sinh kế của rất nhiều hộ nông dân. Người ta khai thác cỏ bàng để làm các sản phẩm nón, giỏ…, khai thác cá lia thia để làm mắm. Tuy nhiên, giờ gần như cạn kiệt nguồn tài nguyên có sẵn này. Thanh niên trong vùng giờ chỉ còn biết bám vào các công ty, xí nghiệp để sinh nhai. Các ngành nghề nông thôn thiếu hụt nhân công trầm trọng. Lao động nông thôn đang mất cân bằng lớn” - Tiến thổ lộ.
Đứng trước nỗi đau đáu này, Tiến cho biết, anh dự định mở trường dạy nghề cho lao động nông thôn, với những nghề, như: Đan lát từ tre, bàng; may vá từ vải vụn, sản phẩm tái chế, trồng lúa, làm ống hút… “Tôi muốn cho mọi người thấy, sống bằng nghề nông khá đơn giản và có thu nhập nuôi sống được bản thân hay gia đình và ổn định” - anh chia sẻ.
Theo đó, Minh Tiến sẽ xây dựng những lớp học là những mô hình sản xuất tại hộ gia đình. Nông dân đến đăng ký và sẽ được đưa đến đây học và thực tập trước khi về nhà mở cơ sở. Mô hình này đang được thực hiện với nghề làm ống hút cỏ. Minh Tiến đang gây dựng 2 xưởng tại hộ gia đình với quy mô 3-4 người. Những nông dân này đang tập trung tại cơ sở để học quy trình sản xuất ống hút cỏ trước khi tự vận hành. “Thị trường ống hút cỏ rất lớn, nhất là trong xu hướng mọi người đang ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Hiện, tôi không đủ hàng để bán” - Minh Tiến khẳng định.
Với vùng nguyên liệu, Minh Tiến cho biết, sẽ triển khai trồng cỏ bàng hữu cơ với diện tích lên hàng chục hecta. Kapir cho biết, anh rất thích ý tưởng của Minh Tiến. “Tôi sẽ trở lại để giúp Tiến làm “vua” ống hút cỏ bàng” - Kapir khẳng định.
Theo Trần Cửu Long/ danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn