Câu chuyện của HTX Kinh Tế Xanh không chỉ dừng lại ở việc nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn ở vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn chất thải rất lớn từ hàng nghìn mét khối phân chuồng.
Bên trong tranh trại Kinh Tế Xanh. ẢNH: TRUNG THẢO
Được hình thành và đi vào hoạt động từ hơn 3 năm nay, HTX Kinh Tế Xanh ở ấp An Trạch Đông, xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã tạo dựng được thương hiệu và uy tín không những chỉ về hiệu quả sản xuất mà còn bảo vệ môi trường. Theo anh Nguyễn Trung Kiên – Phó Chủ nhiệm HTX Kinh Tế Xanh, hiện HTX đang nuôi 6.000 con heo thịt theo quy trình nuôi gia công dịch vụ cho Cty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam. Bình quân trong thời gian 4 tháng HTX xuất chuồng 3.000 con heo thịt. Sản phẩm đầu ra được chính Cty Cổ phần chăn nuôi CP bao tiêu sản phẩm, không phải phụ thuộc đầu ra và đảm bảo có lợi nhuận. Tận mắt nhìn thấy khu chuồng trại chăn nuôi đàn heo sạch sẽ, thoáng mát nhờ có hệ thống làm mát và khử mùi, chủ nhiệm HTX Kinh Tế Xanh chia sẻ với chúng tôi về việc nuôi heo theo hình thức trang trại không hề xa lạ với nhà nông, nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì lợi nhuận thấp do người dân có thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình. Nếu được đầu tư công nghệ đúng hướng thì nghề chăn nuôi nhất định sẽ cho lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Khi nghe tên HTX Kinh tế Xanh, nhiều người lầm tưởng đây là một cơ sở trồng trọt. Tuy nhiên, tên gọi Kinh Tế Xanh theo đúng chương trình môi trường của Liên hiệp quốc là một khái niệm về một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội đồng thời chú trọng những hiểm họa tác động môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Và đây chính là vấn đề cốt lõi mà Ban chủ nhiệm quan tâm khi đầu tư xây dựng HTX này. Câu chuyện của HTX Kinh Tế Xanh không chỉ dừng lại ở việc nuôi heo đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn ở vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn chất thải rất lớn từ hàng nghìn mét khối phân chuồng. Tại chính trang trại chăn nuôi này được đầu tư xây dựng một hệ thống hầm ủ biogas theo công nghệ phủ bạt chống thấm HDPE với công suất 8.000m2 chứa chất thải và 4.000m2 trữ khí gas. Từ hệ thống hầm chứa này, khí biogas thu được sẽ sử dụng để chạy máy phát điện với công suất ước tính đạt 800 kWh. Hiện tại, hai máy phát điện chạy bằng biogas của trang trại thay phiên nhau hoạt động 10 tiếng/ngày với công suất đạt 300 kWh, đủ cung cấp điện phục vụ sản xuất cho 15 xã viên và nhiều hộ nuôi tôm trong vùng phụ cận của HTX. Ngoài việc cung cấp điện phục vụ các đầm tôm ngoài trời, hệ thống phát điện biogas còn được sử dụng để cung cấp điện cho trại nuôi tôm công nghiệp trong nhà kính của HTX với diện tích 5.000m2 mặt nước, ước đạt sản lượng hơn 30 tấn tôm nguyên liệu/năm. Tận mắt tham quan HTX Kinh Tế Xanh, điều dễ nhận thấy nhất là trang trại này thật sự sạch. Bởi đứng sát cạnh các trại nuôi heo vẫn khó mà ngửi được mùi hôi. Trong các loài vật nuôi thì heo là loại gây ô nhiễm môi trường nặng nhất, chất thải có nhiều nhất từ chất thải rắn đến chất thải lỏng, khí. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để nuôi heo là phải chủ động tránh ô nhiễm môi trường ngay từ đầu. Có một số phương pháp xử lý tránh ô nhiễm môi trường như dùng chế phẩm sinh học EM, sử dụng hóa chất… nhưng anh Nhã đã chọn phương pháp xây hầm biogas bởi quy mô chuồng trại của anh lớn, vừa triệt để bảo vệ môi trường vừa tái sinh lợi. Hiện tại, trang trại có quy mô nuôi khoảng 8.000 con heo thịt, cứ quay vòng từ 4 – 5 tháng, trang trại xuất chuồng một lần từ 4 – 4,5 ngàn con heo; hàng năm xuất chuồng cả chục nghìn con heo. Được biết, số vốn ban đầu chi cho xây dựng chuồng trại không nhỏ vì mỗi trại nuôi đến 1.500 con heo, phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh nơi heo sinh sống mà còn phải tiện nghi, dễ tẩy rửa, đặc biệt là phải trang bị hệ thống làm mát tương tự như máy lạnh, cách ly không gian trong trại với bên ngoài và trang bị cả hệ thống khử mùi ngay từ trong trại. Song song đó là đầu tư hầm biogas chứa chất thải của heo và khai thác khí gas theo công nghệ phủ bạt chống thấm HDPE. Hầm biogas này có khối lượng 8 ngàn m³ trong đó 5 ngàn m³ chứa dịch thải, 3 ngàn m³ khí gas (CH4). Loại bạt phủ kín hầm dày 1 mm có thể sử dụng được trong 20 năm. Lượng khí gas từ hầm biogas này đủ để chạy 3 máy phát điện với tổng công suất 800 KVA/giờ. Hiện nay, HTX chỉ sử dụng một phần tư công suất tức là chỉ chạy một máy phát điện cung cấp từ 150 – 200 KVA/giờ để chạy hệ thống làm mát cho các trại nuôi heo và phục vụ nhu cầu sinh hoạt và nuôi tôm sử dụng xa quạt nước điều hòa khí oxy trong nước cho tôm nuôi của hàng chục hộ thành viên trang trại 24/24 giờ trong ngày. Bên cạnh việc cung cấp năng lượng cho máy phát điện, một phần khí biogas còn được dùng để sấy hỗn hợp phân heo và bùn khô từ hầm ủ biogas thải ra, từ đó tạo ra loại phân ủ vi sinh làm thức ăn nuôi cá, hoặc có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Nhờ đó, HTX Kinh Tế Xanh còn phát triển được cả một hệ thống ao nuôi cá trên diện tích 10.000m2 với sản lượng ước tính đạt 50 tấn cá thương phẩm/năm. HTX Kinh Tế Xanh được các nhà khoa học đánh giá là một trong số ít cơ sở chăn nuôi đầu tư và sử dụng hiệu quả hầm biogas ở khu vực ĐBSCL. Hầm biogas còn cung cấp phụ phẩm từ đáy hầm mỗi năm làm phân vi sinh, trước hết là dùng để bón phân cho hơn 500 gốc dừa đang trồng mà theo dự án sẽ trồng gấp đôi số gốc dừa hiện có. Đặc biệt, trang trại HTX Kinh Tế Xanh được một tổ chức quốc tế đặt vấn đề mua tín chỉ giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính CERs, khuyến khích các tổ chức sản xuất mua bán CERs theo cơ chế phát triển sạch. Đây là một cơ hội lớn cho trang trại không những sẽ tăng doanh thu từ nguồn thu này, mà còn khẳng định hướng đi đúng của trang trại vì một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững theo xu thế phát triển chung của thế giới. Mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao của HTX Kinh tế xanh ở xã Vĩnh Trạch được xem là một quy trình khép kín không những phát huy hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường, góp phần cùng với địa phương thực hiện đảm bảo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.