Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Diễn đàn do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Bí thư tỉnh uỷ Lê Minh Hoan đánh giá, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH và Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chính phủ đối với HTX trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cả nước, đặc biệt trong bối cảnh ĐBSCL đã và đang chịu nhiều thách thức do BĐKH.
Các địa phương, trong đó có Đồng Tháp đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, vừa chuyển đổi, củng cố các HTX kiểu cũ, vừa thành lập các HTX kiểu mới. Nhìn chung, bước đầu đã mang lại các hiệu ứng tích cực trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cho rằng thách thức với HTX hiện nay không chỉ là chuyển đổi hoạt động thích ứng với cơ chế thị trường mà còn để thích ứng với BĐKH. Do đó, không chỉ cần có các giải pháp công trình như đê, kè, đập... mà còn cần đến giải pháp phi công trình do chính cộng đồng dân cư tổ chức thực hiện với sự điều chỉnh của quy hoạch chung.
“Nông sản Việt Nam kém sức cạnh tranh vì chi phí cao và chất lượng kém. Như vậy, để nông sản phát triển bền vững, vừa thích ứng với BĐKH, vừa thích ứng với thị trường, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi ‘lời nguyền chi phí cao, chất lượng kém’. Để vượt qua ‘lời nguyền’ đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau một cách tự nguyện. Điều đó cho thấy HTX là giải pháp duy nhất có tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với thích ứng BĐKH”, ông Lê Minh Hoan bày tỏ.
Cụ thể, ông Hoan cho rằng thích ứng BĐKH cần hướng tới đa dạng hóa phát triển nông nghiệp và thuỷ sản, thay đổi lịch thời vụ, xây dựng các chương trình, kế hoạch thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các ngành, các cấp. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên nước thích ứng với BĐKH.
“Triết lý của HTX là lợi thế dựa trên quy mô. Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều, sẽ giúp giảm giá thành do lợi thế mua chung, tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ bán chung. Sản xuất chung một quy trình sẽ giúp tăng chất lượng nông sản. HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng. HTXkhông chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên và người dân nông thôn”, Bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp nhấn mạnh.
Do đó, ông Lê Minh Hoan cho rằng cần phát triển HTX nông nghiệp đủ mạnh về quy mô và năng lực quản trị, tài chính, để “đủ sức” thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với BĐKH, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua.
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Lê Minh Hoan đề nghị Chính phủcần xây dựng một nghị định riêng để phát triển HTX nông nghiệp, tiến dần đến ban hành luật về HTX nông nghiệp, góp phần chủ động thực hiện giảm 500.000 ha đất sản xuất lúa nhưng không chuyển rủi ro từ ngành hàng lúa gạo sang rủi ro ở ngành hàng nông nghiệp khác.
Thành Chung/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn