Nhiều diện tích hành tăm được người dân Anh Sơn trồng xen cam cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Hiền Đã từ lâu Đỉnh Sơn là địa phương hình thành vùng chuyên canh trồng hành tăm ở huyện Anh Sơn với diện tích 25 ha, tập trung nhiều ở các thôn 19/5, 3/2, tháng Tám; riêng thôn 19/5 có gần 100% hộ dân trồng hành tăm, hộ ít cũng 1 sào, hộ nhiều trồng 5 - 7 sào.
Trên diện tích đất triền đồi, trước đây gia đình bà Lê Thị Sáu ở thôn 19/5, xã Đỉnh Sơn trồng sắn nhưng kém hiệu quả, 3 năm nay bà chuyển sang trồng hành tăm với diện tích gần 2 sào.
Bà Sáu cho biết, hành tăm là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, đặc biệt phù hợp với nhiều loại đất, từ khi trồng đến khi thu hoạch là 6 tháng. Nhưng từ tháng thứ 2 đã có thể nhổ cả lá và củ để bán hành tươi với giá 2.000 đồng/bó, vừa tạo điều kiện để cây hành phát triển, vừa tăng thêm thu nhập. Hiện nay gia đình mới thu hoạch một nửa diện tích đã được gần 4 tạ hành củ; với giá 40.000 đồng/kg có nguồn thu hơn 15 triệu đồng.
Người dân xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) thu hoạch hành tăm. Ảnh: Thái Hiền Còn chị Hoàng Thị Anh ở thôn 19/5 trồng hơn 1 sào hành tăm và đây là năm thứ 10 chị gắn bó với cây hành tăm. Theo chị Anh, từ tháng 9 DL hàng năm là cày đất, làm sạch cỏ, lên luống cao để trồng hành. Sau khi trỉa xong tiến hành phủ lớp rơm và cây ngô để giữ độ ẩm cho cây phát triển, tạo đất tơi xốp cho củ to, đẹp.
Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, năm nay năng suất hành đạt hơn 3 tạ/sào; với giá bán ổn định như hiện tại, sau khi trừ chi phí sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng.
Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên năm nay hành tăm củ to, trắng đẹp. Ảnh: Thái Hiền Những năm gần đây, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", bà con Anh Sơn còn trồng hành tăm xen cây cam (chiếm 2/3 diện tích hành tăm hiện có) đang trong giai đoạn kiến thiết nhằm tận dụng đất trống mang lại hiệu quả cao. Năm nay thời tiết thuận lợi nên hành phát triển tốt, dù đã tỉa bán hành lá từ trước Tết Nguyên đán, nhưng đến thời điểm thu hoạch năng suất bình quân vẫn đạt cao, từ 3 - 4 tạ/sào; mỗi ha ước đạt khoảng 200 triệu đồng.
Nhận thấy đây là cây trồng có chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, có lợi cho người nông dân, huyện Anh Sơn khuyến khích người dân phát triển cây hành tăm để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.