Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kim Bôi: Điểm đến tin cậy
Chủ nhật - 15/03/2020 07:31
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bôi (Hòa Bình) phát huy tốt cơ sở vật chất sẵn có, tích hợp bải bản hai loại hình giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đào tạo nguồn nhân lực. Trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín của người học nghề.
Sau sáp nhập (tháng 5/2016) hai loại hình giáo dục thường xuyên (GDTX) và giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã phát huy tốt cơ sở vật chất sẵn có, tích hợp bải bản hai loại hình giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đào tạo nguồn nhân lực. Trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín của người học nghề.
Đổi mới trong dạy và học
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bôi có cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chất lượng, trình độ đạt chuẩn, tâm huyết, dày dạn kinh nghiệm, năng động.
Trong khi hầu hết các Trung tâm GDNN - GDTX còn đang loay hoay với công tác tuyển học sinh, học viên, thì Trung tâm luôn duy trì số lượng người học. Kết quả đó là nhờ sự quyết tâm nỗ lực, khắc phục vượt khó với tất cả tâm huyết của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, đặc biệt là sự đóng góp rất lớn, trăn trở với nghề, có Tâm và Tầm của Ban lãnh đạo.
Ông Trần Nam Hải, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kim Bôi, cho biết: Hàng năm, để thu hút học sinh, Trung tâm đã có nhiều đổi mới trong cả việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; bám sát cơ sở, nắm chắc thông tin, tập trung mọi nguồn lực để tuyển sinh; gắn kết giữa giảng dạy văn hóa với công tác đào tạo nghề, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý, vì vậy, số lượng học sinh, học viên đăng ký tham gia, học tập tại trung tâm tăng dần qua từng năm, năm sau cao hơn năm trước.
Năm học 2018 - 2019, trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chương trình GDTX cấp THPT, Trung tâm đoạt 02 giải Nhất môn Lịch sử và Tin học; 01 giải ba môn Ngữ văn. Thi học viên giỏi đạt 01 giải Nhì môn Vật lý, 01 giải Ba môn Địa lý, 03 giải khuyến khích môn Địa lý, Vật lý và Toán học, 01 giải khuyến khích trong cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay…
Đào tạo gắn với thị trường và đơn đặt hàng của doanh nghiệp
Song song với công tác giáo dục văn hóa, Trung tâm đã xây dựng, giáo trình, tài liệu đào tạo thường xuyên, theo sát nhu cầu thực tế, nhân lực của địa phương, nhu cầu thị trường về sản phẩm, mẫu mã hoặc theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp… liên kết với các trường Cao đẳng Cơ điện Tây Bắc; Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Hòa Bình; Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật; Cao đẳng Phát thanh truyền hình… để mở nhiều lớp đào tạo nghề với các bậc đào tạo khác nhau như: Trung cấp Điện, Hàn, Quản trị mạng, Du lịch, Quản lý và Bán hàng siêu thị; Cao đẳng Công nghệ thông tin; May công nghiệp; Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp và việc làm. Nhờ vậy, hằng năm, 100% học sinh khối 10 đều tham gia học trung cấp nghề, sau 3 năm theo học tại Trung tâm, học sinh tốt nghiệp vừa có bằng cấp III vừa có bằng Trung cấp nghề, có việc làm và thu nhập ổn định.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện liên kết, tổ chức ôn, thi và cấp chứng chỉ lớp CNTT cơ bản cho 200 học viên; mở được 02 lớp ngoại ngữ với 41 học viên (đã cấp chứng chỉ cho 39 học viên lớp 12), 04 lớp Tiếng dân tộc Thái với 230 học viên (đã thi và cấp chứng chỉ cho 224 học viên). Hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nghề nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với 26 lớp dạy nghề, cho 760 học viên thuộc nhiều đối tượng, được học các nghề như: Mây tre đan xuất khẩu, May túi siêu thị, Thêu thổ cẩm, May công nghiệp, Làm vườn, Kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho lợn, Kỹ thuật chăn nuôi, Gia công thiết bị điện dân dụng, Tập huấn Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi… Nhiều học viên sau đào tạo phát huy được kiến thức đã học để phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng trang trại chăn nuôi, làm thêm nghề phụ…
Thành quả của Trung tâm GDNN - GDTX huyện Kim Bôi góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập; thúc đẩy, chuyển đổi sản xuất, giảm nghèo bền vững, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.