NHỌC NHẰN NỖI LO…
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thu hoạch trên 1 triệu 600 nghìn ha lúa hè thu. Tuy nhiên, giá lúa liên tục giảm khiến nông dân lo lắng. Ở các địa phương như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ có diện tích thu hoạch lúa hè thu sớm hơn các tỉnh khác trong vùng, người dân thu hoạch lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết và kèm theo nỗi lo lúa mất giá và khó tiêu thụ.
Ngồi bên đống lúa vừa mới thu hoạch khi cơn mưa vừa dứt hạt, đã thấm mệt, nhưng bà Nguyễn Thị Tư ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp lại lo lắng nhiều hơn. Lúa thu hoạch, nhưng chưa tìm được thương lái để bán cho dù chịu bán giá thấp. Theo bà Tư, hiện giá lúa tươi IR 50404 thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn 3.500 đồng/kg, giảm 600 đồng /kg so với cách đây khoảng 10 ngày. Đây là mức giá rất thấp nhưng thương lái vẫn kỳ kèo, ép giá không chịu thu mua. Với mức giá này, nông dân thua lỗ nặng.
Dự kiến, tổng sản lượng lúa hè-thu năm nay của vùng ĐBSCL là hơn 9 triệu 300 nghìn tấn, sản lượng quy gạo là 4 triệu 650 nghìn tấn. Trong khi đó, lượng gạo hàng hóa trong nước cần tiêu thụ năm nay đang ở mức cao dự báo khoảng tám triệu tấn, chưa kể lượng gạo tồn kho năm ngoái là gần 800 nghìn tấn. Tất cả những yếu tố đó đang gây áp lực đối với việc thu mua lúa hè-thu cho nông dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp chỉ thu mua lúa cầm chừng. Giá lúa tiếp tục giảm, không có vốn, thiếu điều kiện phơi sấy nên nông dân mong muốn bán được càng sớm, càng tốt bởi điều kiện phơi sấy, bảo quản lúa vụ hè-thu ở ĐBSCL chỉ đáp ứng được 30 – 40%.
LIÊN KẾT ĐỂ HỖ TRỢ NÔNG DÂN
Gần đây, hàng loạt sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL rớt giá thê thảm và nông dân thực sự khốn đốn do tắc đầu ra. Hơn lúc nào hết, lợi ích của nông dân cần được bảo vệ. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, hạn chế của nông dân lâu nay là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, làm theo phong trào, cứ tới vụ mùa là phải sản xuất. Trong khi đó chưa biết được đầu ra, vì thế, chuyện “trúng mùa, rớt giá” cứ là “chuyện thường” ở miền tây sông nước và nông dân là người thua thiệt.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Cần tích cực hơn trong việc giải bài toán lợi nhuận cho người trồng lúa nói riêng và người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, việc đẩy mạnh liên kết nông dân tham gia vào sản xuất tập trung và mô hình “cánh đồng lớn” đã chứng minh hiệu quả”.
Theo các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, khi mô hình đã được thực hiện mang lại hiệu quả trong thời gian dài và khả năng thực hiện lớn thì cần phải có sự đầu tư nhiều hơn cho nó. Do vậy, đã đến lúc cần phải làm thật, làm có căn cơ chứ không nên ở dạng làm “mẫu” nữa. Và để thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” thì người nông dân cần được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, thu hoạch, bao tiêu đầu ra... nhằm giảm chi phí giá thành, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. Ở đây, doanh nghiệp mới chính là người đặt hàng cho nông dân sản xuất, nhằm giảm tình trạng làm đại trà, manh mún nhưng không theo yêu cầu của thị trường.
MÔ HÌNH “CÁNH ĐỒNG MẪU LỚN”
Ở vụ lúa đông-xuân 2012-2013 ở ĐBSCL trúng mùa nhưng nông dân kém vui vì giá lúa thấp. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh tổng thể đó vẫn có một số điểm khác biệt trong các vùng nguyên liệu “cánh đồng mẫu lớn”. Một trong những điểm đó là vùng nguyên liệu lúa gạo của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS).
Ở ngành này, Công ty cung cấp dịch vụ trọn gói cho bà con nông dân trong vùng nguyên liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm của bà con làm ra. Dịch vụ cung cấp bao gồm hạt giống, thuốc BVTV, phân bón ngay từ đầu vụ không tính lãi suất trong vòng 120 ngày, tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật thông qua lực lượng “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) tại cơ sở, vận chuyển lúa miễn phí từ đồng ruộng về nhà máy, sấy lúa miễn phí cho nông dân, cho lưu kho miễn phí trong vòng một tháng. Nông dân quyết định giá bán và thời điểm bán cho công ty.
Trong vụ đông-xuân 2012-2013 vừa qua, có tổng cộng 6.580 nông dân ký kết hợp đồng với AGPPS và tổng diện tích thu hoạch đạt được là 17.760 ha. Qua tổng kết cho thấy, nông dân tham gia sản xuất trong vùng nguyên liệu của AGPPS tổ chức tiết kiệm được 11,1% chi phí sản xuất (2,62 triệu đồng/ha), nhưng tổng thu nhập gia tăng 10,8% (3,72 triệu đồng/ha) và lợi nhuận gia tăng 57,6 % (6,35 triệu đồng/ha) so với sản xuất riêng lẻ, cá thể theo tập quán truyền thống của nông dân tại địa phương có cùng điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai tương tự.
Để phát triển mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, tới đây, một vùng nguyên liệu có quy mô diện tích từ 5.000 đến 30 nghìn ha sẽ được quy hoạch tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Với mục tiêu xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa gạo nhằm thực hiện việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên một diện tích lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu.
Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc tăng cường liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chủ động trong sản xuất, điều tiết và tiêu thụ lúa gạo ở những vùng sản xuất lúa trọng điểm, đồng thời làm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân. Việc xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” gắn với sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tạo ra sản phẩm có chất lượng là tiền đề để ngành nông nghiệp quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng bền vững. Qua đó, giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất theo hướng tập trung với số lượng lớn, chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân và bảo đảm an sinh xã hội trong vùng.
Lúa thu hoạch, nhưng chưa tìm được thương lái để bán cho dù chịu bán giá thấp. |
BÀI VÀ ẢNH: ĐỨC NGHĨA - THANH TÙNG
Theo nhandan.org.vn