Buổi sáng sớm đầu năm mới 2018, dưới chân núi Tháp thuộc địa bàn thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, rộn vang tiếng “be be” của đàn dê, cừu. Hàng trăm con cừu trắng của gia trại ông Đàng Ngỗ được lùa đi chăn thả dưới tán rừng. Ông Đàng Ngỗ (ảnh), dân tộc Chăm có trên 30 năm gắn bó với nghề du mục chăn nuôi gia súc có sừng, phát triển kinh tế theo mô hình gia trại đạt hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông hộ địa phương học tập kinh nghiệm và làm theo.
Ông Đàng Ngỗ bên 2 chú dê con dễ thương. Mấy chục năm trong nghề du mục chăn nuôi gia súc có sừng, có thể nói, ông Đàng Ngỗ là "pho kinh nghiệm" quý về nghề chăn nuôi gia súc trên vùng đất nắng gió Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc.
Trò chuyện với chủ gia trại Đàng Ngỗ, chúng tôi được biết ông xuất thân từ gia đình có nghề chăn nuôi gia súc truyền thống ở làng Hậu Sanh. Đời ba mẹ ông đã từng sở hữu đàn trâu trên 100 con. Nhờ nguồn thu nhập từ đàn gia súc đã bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, nuôi dạy con cháu ăn học trưởng thành.
Ông Đàng Ngỗ là một trong những thanh niên đầu tiên ở làng Hậu Sanh tốt nghiệp tú tài năm 1976, tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Nhờ có trình độ học vấn phổ thông căn bản giúp ông khởi nghiệp thành công rồi gắn bó bền vững với nghề chăn nuôi gia súc có sừng suốt 32 năm qua.
Ông Đàng Ngỗ còn nhớ như in buổi đầu khởi nghiệp chăn nuôi nhờ trúng mùa đậu xanh trên đồng ruộng Hậu Sanh. Đó là vụ mùa năm 1985, vợ chồng ông gieo 2 ha đậu xanh thời tiết thuận lợi kết hợp chăm sóc chu đáo thu hoạch trên 3 tấn đậu hạt, trị giá tương đương 15 tấn lúa. Ông bán đậu xanh mua 18 con bò cái phát triển chăn nuôi gia súc có sừng.
Từ đàn bò cái khởi nghiệp được vợ chồng ông chăm sóc chu đáo, chỉ hơn một năm sau đã sinh 12 con bê con. Ông giữ lại bê cái nuôi sinh sản, bán bê đực cho nông dân đến mua nuôi vỗ béo. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện Ninh Phước tổ chức và nỗ lực học hỏi phương pháp chữa bệnh cho đàn gia súc thông qua đội ngũ cán bộ thú y.
Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, chủ gia trại Đàng Ngỗ trở thành khuyến nông viên cơ sở tận tình hướng dẫn bà con trong thôn chăm sóc, nâng cao chất lượng đàn gia súc. Ông đã “sind hóa” đàn bò địa phương có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp, được thương lái trong vùng ưa thích.
Nhờ nguồn thu nhập từ đàn gia súc trên 300 triệu đồng/năm, gia đình ông Đàng Ngỗ bảo đảm cuộc sống khá giả nhất làng Hậu Sanh. Ông xây dựng nhà ở khang trang và nuôi dạy 4 người con tốt nghiệp đại học. Tính đến đầu năm 2018, gia trại ông Đàng Ngỗ chăn nuôi 420 gia súc có sừng, trong đó có 160 con bò, 250 cừu và 60 con dê sinh sản, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Nuôi cừu sinh sản là 1 trong những mô hình làm giàu của nhiều hộ dân làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), trong đó gia đình ông Đàng Ngỗ nuôi tới 250 con. Ảnh: Tô Hoàng.
Bên cạnh đó, gia đình ông Đàng Ngỗ còn canh tác 2,5 ha ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang áp dụng biện pháp “1 phải, 5 giảm” đạt năng suất trung bình 7 tấn/ha/vụ. Ông tận thu nguồn rơm từ ruộng lúa gia đình và mua thêm của bà con trên 100 rơ-móc rơm/vụ kết hợp trồng 2,5 sào cỏ voi bảo đảm nguồn thức ăn bổ sung cho đàn gia súc đông đúc của mình.
Khi được hỏi về “bí quyết” dẫn đến thành công trong nghề chăn nuôi gia súc có sừng, ông Đàng Ngỗ chia sẻ: Theo tôi, yếu tố hàng đầu là phải cố gắng tích lũy nguồn vốn tự có của gia đình để đầu tư chăn nuôi gia súc. Thứ hai là phải quản lý chặt chẽ bầy đàn để tránh thất thoát trong quá trình chăn thả. Thứ ba là phải tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Ông Trượng Lẻo, Bí thư Chi bộ thôn Hậu Sanh nhận xét: Gia trại của ông Đàng Ngỗ có đàn gia súc thuộc diện hàng đầu ở xã Phước Hữu. Ông nêu gương sáng của đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông tận tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ vốn liếng cho bà con tộc họ có điều kiện chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn