Các HTX trồng hoa, cây cảnh ở huyện Hoành Bồ đã chú trọng ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thành lập từ năm 2014, HTX Tín Phát (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ) hiện là một trong những đơn vị sản xuất hoa lan hồ điệp có tiếng ở Hoành Bồ. Mỗi năm, HTX sản xuất, cung ứng ra thị trường trên 30.000 cây hoa, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc HTX Tín Phát, cho biết: Tham gia vào dự án trồng hoa chất lượng cao, HTX đã được huyện Hoành Bồ hỗ trợ toàn bộ cơ sở vật chất, cây giống và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong quy trình trồng, chăm sóc cây hoa lan. Nhờ đó, HTX có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, từng bước nhân rộng quy mô sản xuất từ 10.000 cây lên 30.000 cây/năm.
Thành công của HTX Tín Phát đã cho thấy hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhiều HTX trong tỉnh ngày càng nhận thức sâu sắc được ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2013, HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trung tâm sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản có quy mô khoảng 5.000m2 tại xã Hồng Phong. Trong đó, có nhà sơ chế, kho lạnh, hầm sấy quy mô lớn để bảo quản, sơ chế nông sản sau khi thu hoạch. Nhờ vậy, các sản phẩm rau, củ, quả sau khi thu hoạch chưa kịp tiêu thụ có thể bảo quản kịp thời.
Ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất trà hoa vàng tại cơ sở sản xuất của anh Nịnh Văn Trắng (huyện Ba Chẽ). Lợi ích của áp dụng KHCN trong nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản đã được khẳng định. Tuy nhiên, theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 302 HTX nông nghiệp, nhưng chỉ có 2-3% trong số đó chú trọng đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Trung Thành, Trưởng Ban Chính sách phát triển HTX (Liên minh HTX tỉnh), cho biết: Việc áp dụng những tiến bộ của KHCN để tăng giá trị sản phẩm hầu hết chỉ ở các HTX nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, chế biến nông sản miến dong, trà hoa vàng. Còn lại nhiều HTX, hoạt động này còn rất hạn chế. Nguyên nhân là do thiếu nguồn lực, thiếu vốn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới; trong khi yêu cầu thu hồi vốn nhanh, khiến các HTX xem trọng mục tiêu kinh tế trước mắt. Trình độ, năng lực của đội ngũ xã viên còn yếu cũng là một nguyên nhân, khiến hoạt động KHCN ở khu vực này còn ít.
Mô hình trồng rau an toàn công nghệ thủy canh trong nhà lưới tại TX Quảng Yên. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động KHCN, như Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND, Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp; áp dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hoá; thuê chuyên gia, chuyển giao công nghệ đối với người sản xuất trong vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, thiết bị công nghệ và dây chuyền sản xuất các sản phẩm thuộc chương trình OCOP tại các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh…
Cũng theo ông Thành, để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh khu vực HTX, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu, tiến bộ KHKT, mô hình sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ mới hoạt động hiệu quả đến các HTX. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất kinh doanh cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX; phối hợp với các sở, ngành, địa phương huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN áp dụng cho khu vực này.
https://quangninh.gov.vn/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=84671