Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) ra đời là sân chơi chung nhằm tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế, mở rộng thị trường...
Nhiệm vụ nòng cốt
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp Việt Nam thì việc thay đổi phương thức quản lý, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp theo hướng số hóa là giải pháp tối ưu.
Chính vì vậy, Ban vận động thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam trong suốt ba năm (từ 2017 đến 2019) đã tập hợp nguồn lực và tiến hành thủ tục trình các cấp có thẩm quyền cho phép thành lập VIDA nhằm quy tụ nhân tài và chung tay góp sức đưa nền nông nghiệp Việt Nam tiệm cận với nền nông nghiệp của các quốc gia phát triển.
Ngày 26/6/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 516/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập VIDA.
Hiệp hội ra đời là sân chơi chung nhằm tập hợp nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thực tiễn như hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường; tìm kiếm, chọn lọc công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến tại Việt Nam, thu hút đầu tư cho chế biến sâu tại Việt Nam; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp số tại Việt Nam.
Tại Đại hội, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT, Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam được bầu là Chủ tịch Hiệp hội với lời phát biểu khai mạc không thể ngắn hơn: “Nông nghiệp số Việt Nam quyết tâm! Nông dân sung túc! Doanh nghiệp trường tồn! Đất nước phồn vinh”.
Cũng theo ông Bình, Hiệp hội dự kiến hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm giới thiệu nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng…
Hiệp hội đã quy tụ được những doanh nghiệp, doanh nhân có tâm huyết, trách nhiệm để hiện thực hóa mục tiêu, đưa nông nghiệp Việt Nam về đúng vị thế và tầm quan trọng của nó trong thời gian tới. Đặc biệt, mỗi thành viên đều đồng thuận với tuyên ngôn của Hiệp hội: “Giàu từ nông nghiệp”.
Vai trò hạt nhân về công nghệ số nông nghiệp
Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, VIDA đã lựa chọn cống hiến phục vụ ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn - một khâu khó nhất, tổng hợp nhất, thời đại nhất. Đây là sự lựa chọn của 500 thành viên ở Đại hội lần thứ nhất và là sự lựa chọn trí tuệ, bởi tiềm năng phát triển của nông nghiệp số rất lớn. Việc thành lập Hiệp hội Nông nghiệp số là hướng đi rất đúng đắn. Nếu làm được sẽ tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại, kỹ năng quản trị, tố chất con người và khát vọng Việt Nam để khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Nhấn mạnh đến 3 sứ mạng của Hiệp hội, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, mỗi thành viên Hiệp hội phải trở thành nhân tố điển hình nhất, hạt nhân về công nghệ số trong hệ sinh thái làm nông nghiệp; Hiệp hội trở thành cầu nối tham mưu, tư vấn, kiến nghị để Nhà nước hoàn thiện hệ sinh thái quản lý thuận lợi nhất; đưa ngành nông nghiệp bước ra thế giới vững chắc, đàng hoàng ở thương trường thế giới.
Không thể để Việt Nam trở thành quốc gia nông sản giá rẻ. Hiệp hội phải tìm những công nghệ tân tiến, hiện đại và tham mưu cho các doanh nghiệp, nông dân và những nhà hoạch định chính sách những sáng kiến để làm được điều đó, hợp lý hóa tất các khâu, các lĩnh vực trong hệ sinh thái ngành nông nghiệp để tạo giá trị gia tăng, hiệu quả bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Trước đây khi còn đói, chúng ta lo miếng cơm manh áo. Nhưng nay khác, người nông dân sắp tới sẽ thao tác trên iPad, trên công nghệ số, không còn khai thác trên các công cụ truyền thống.
Nghề nông ở thời kỳ hội nhập, ở thời kỳ 4.0, thời kỳ quản trị sẽ rất khác.
Hơn 30 năm qua, từ đất nước thiếu ăn thành đất nước đủ cung cấp thực phẩm cho 100 triệu dân, đây là thành tích vượt trội. Vì chúng ta không nhiều tài nguyên đất, trong khi lại ở vị trí rốn bão của thế giới, nhưng xuất khẩu tới hơn 40 tỷ USD nông sản, xuất khẩu đi hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, năng suất, hiệu quả cuối cùng của người nông dân rất thấp. Hình ảnh người nông dân vẫn là mồ hôi, nước mắt, nghèo.
Điểm thứ hai, chúng ta chịu áp lực thách thức từ biến đổi khí hậu. Nông nghiệp, nông dân là người chịu tổn thương đầu tiên, lớn nhất.
Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi với các cường quốc với tiềm lực khoa học, quản trị phát triển.
Việt Nam không sợ, trước kia còn làm được, huống chi bây giờ. Chúng ta cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp. Kết thúc giai đoạn khai thác tài nguyên, phát triển bề rộng. Nay chúng ta quản trị hiện đại, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tận dụng khoa học 4.0”.
Mong muốn Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cùng với 14.800 hợp tác xã hiện tại, 8 triệu hộ nông dân viết tiếp câu chuyện nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới đây, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn đồng hành, bất kỳ điều gì cần hỗ trợ, nếu nằm trong thẩm quyền, Bộ luôn sẵn sàng.
Tại đại hội, ông Trương Gia Bình, cho rằng, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.
“Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau”, ông Trương Gia Bình nói. Ông kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp số.