Sản lượng vải thiều giảm 50%
Huyện Lục Ngạn năm nay, tổng diện tích trồng vải toàn huyện đạt gần 16.000 ha. Trong đó có khoảng 1.850 ha, chiếm 12,1% vải chín sớm; gần 13.500 ha vải thiều chính vụ, chiếm 87,9%.
Khác với mùa vải thiều bội thu của năm 2018, năm nay sản lượng vải thiều huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) giảm sút nhiều. Người dân ở vùng chuyên canh vải đang thấp thỏm lo lắng về tỷ lệ đậu quả và giá bán vải thiều.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn cho biết, dù chăm sóc kỹ, đúng quy trình nhưng do thời tiết nóng ấm vào dịp Tết nên tỷ lệ ra hoa đậu quả của vải thiều trong năm nay rất thấp, thường các vườn vải chỉ đạt khoảng 50% đậu quả, vườn nào cao nhất cũng chỉ đạt 75% vải đậu quả.
“Vụ năm 2018, vải thiều bội thu, với gần một ha vải có thể thu 5 - 7 tấn quả, còn vụ năm nay nhiều gia đình chỉ thu được 2-3 tấn quả. Nhưng cũng có gia đình mất gần hết vườn vải dù đã tỉa cành, triệt lộc, chăm sóc” - ông Tuấn chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn cũng là một trong những hộ tham gia thí điểm trồng vải thiều hữu cơ năm 2019 phương thức chăm sóc mà không phun thuốc trừ sâu bệnh. Năm nay, thời tiết không thuận lợi sản lượng giảm sút, quả trên các cây chỉ lác đác, thu nhập của gia đình khó đảm bảo được.
Theo dự báo của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm; thời gian thu hoạch dự kiến từ 20 - 30/7/2019. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn vải).
Giá vải thiều tăng gấp 3 lần, dự báo 40.000 đồng/kg
Giá vải thiều dự báo có thể tăng gấp 3 lần năm 2018, khoảng 40.000 đồng/kg.
Sản lượng vải giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều đang ở mức cao, hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng/kg). Mức giá này khiến các nhà vườn bớt lo âu khi sản lượng thấp.
Ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mùa vải thiều năm nay tiêu chuẩn cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chính của vải thiều) có yêu cầu cao hơn. Các tiêu chuẩn kỹ thuật đều yêu cầu cao hơn, quy chuẩn từ bao bì đến tem nhãn sản phẩm rõ ràng để truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
“Vải thiều chế biến và xuất khẩu sang các nước (trừ thị trường Trung Quốc) chiếm 20% tổng sản lượng (tương đương 16.000 tấn) còn lại 80% vải thiều tươi phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường Trung Quốc. Với việc thị trường Trung Quốc nâng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong nhập khẩu vải thiều thì đây là cơ hội để người dân thay đổi dần phương thức hướng tới tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để hội nhập và hướng tới các thị trường khó tinh” - ông Thành nói.
Trong tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiếp tục ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm cũng như cung cấp tư thuơng phục vụ cho các chợ đầu mối. Vải thiều ngoài thị trường truyền thống phía Bắc lượng tiêu thụ ở các thị trường phía Nam cũng tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Với vải thiều đẹp có thể sẽ được các thương nhân Trung Quốc tranh mua khi Trung Quốc cũng mất mùa vải, ông Thành cho biết thêm.
36 mã vùng trồng của vải thiều huyện Lục Ngạn đã được xác định để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 82 cơ sở sơ chế vải thiều cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn. |