Nông dân Văn Lãng chăm sóc vườn hồi sau thu hoạch.
Gắn bó với người dân vùng cao
Bà Hoàng Thị Quý, dân tộc Tày, thôn Bảo Van, xã Nam La, cho biết, bà trồng hồi hơn 20 năm nay; hiện gia đình có trên 1ha hồi, khoảng 1.200 cây. Năm 2017, vườn hồi nhà bà đến kỳ thu hoạch; mùa thu hái kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10. Tuổi thọ của cây kéo dài 50 - 60 năm, cây cao từ 5 -8m. Bà con hái hồi bằng phương pháp thủ công, đeo túi bên hông, trèo cây hái, hoặc bẻ cành thả xuống. Năm nay, gia đình bà Quý ước thu hoạch được 5-6 tấn, giá hồi tươi bán đầu vụ chỉ 8 triệu đồng/tấn, nhưng càng về cuối vụ giá càng cao, khoảng 15 triệu đồng/tấn. Khách đến thu mua tại nhà, chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh.
Hồi mọc tự nhiên trong rừng, ít phải chăm sóc; thường sau khi thu hái, phát cỏ dại quanh gốc 1 lần là xong. Tuy nhiên, hàng năm bà Quý phải trồng mới khoảng 50 cây (thay cây chết, còi cọc), gia đình tự ươm cây giống 1-2 năm mới trồng; hoặc có thể mua của thương lái với giá 5.000 đồng/cây.
Ông Hứa Xuân Kim, dân tộc Nùng, cũng ở xã Nam La, cho biết, gia đình có 0,5ha hồi, khoảng 500 cây, trồng năm 1998. Hiện, đang có 300 cây cho quả, ước thu hoạch khoảng 2,5-3 tấn, giá bán 25.000 đồng/kg (hoa hồi đen), 41.000 đồng/kg (hồi cánh gián).
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Long Xuyên, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Lãng, cho biết, Văn Lãng có 20 xã, thị trấn, nhân dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ dân trí chưa cao, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn. Cây trồng chính của huyện là lúa, ngô, rau màu; hồi chỉ tập trung ở một số xã có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống. Hiện, tổng diện tích hồi toàn huyện là 3.853ha, trong đó có 3.012ha đã cho sản phẩm. Sản lượng hoa hồi khô năm 2017 ước đạt 820 tấn.
Tìm hướng đi cho hồi
Cũng theo ông Xuyên, việc thu hoạch hồi của bà con vẫn bằng phương pháp thủ công, chưa có công nghệ, thiết bị hỗ trợ, nên mất nhiều công sức và không đảm bảo an toàn lao động. Người dân chủ yếu thu hoạch và bán quả tươi hoặc phơi nắng, chưa có công nghệ sấy. Quả hồi hàng năm được thương lái thu gom và buôn bán tại các chợ trên địa bàn, hoặc đưa sang các vùng lân cận. Đặc biệt, trên địa bàn huyện chưa có mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh hồi. Việc mở rộng diện tích cây hồi gặp một số khó khăn như: chưa có quy hoạch chi tiết cho sản xuất; xác định những diện tích phù hợp với việc phát triển cây hồi cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ. Bà con chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, trồng xen giữa những khu vực đã cho quả, vì vậy, việc mở rộng quy mô sản xuất rất khó thực hiện. Do chưa có công nghệ chế biến nên toàn bộ sản phẩm hồi được nhân dân bán ở dạng tươi hoặc phơi khô, dẫn đến giá trị kinh tế thấp. Đầu ra cũng chưa ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Dự kiến, những năm tới, trong các kỳ quy hoạch tiếp theo, cây hồi cần được mở rộng diện tích, gắn với quy hoạch điểm chế biến tinh dầu hồi trên địa bàn Văn Lãng. Dự kiến đến năm 2020, Văn Lãng nâng diện tích hồi lên 4.000ha; diện tích trồng mới tập trung tại 7 xã có điều kiện địa lý phù hợp. Song song với quy hoạch sản xuất, cần tổ chức quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: đường giao thông, hệ thống sân phơi, các cơ sở sấy, chưng cất tinh dầu hồi tại chỗ. Tiếp tục vận dụng và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thúc đẩy việc mở rộng diện tích trồng hồi; dự kiến, kế hoạch trồng mới khoảng 50ha/năm. Hàng năm, lập kế hoạch hỗ trợ phát triển cây hồi, đặc biệt chú trọng huy động mọi nguồn lực để khuyến khích đầu tư các cơ sở chế biến hồi trên địa bàn; trong đó tập trung phát triển công nghệ sấy, công nghệ chưng cất tinh dầu.
Cuối cùng, Văn Lãng có một số kiến nghị, đề xuất như: đề nghị Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn phát triển diện tích cây hồi. Hỗ trợ quảng bá sản phẩm hồi Lạng Sơn đến những thị trường tiềm năng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm hồi. Tỉnh Lạng Sơn có các chính sách hỗ trợ các dự án trồng mới cây hồi; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng hồi tập trung như: đường giao thông, hệ thống sân phơi. Có chính sách khuyến khích đầu tư áp dụng công nghệ thu hái, công nghệ sau thu hoạch, chế biến tinh dầu hồi. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư trồng hồi, thu mua hồi.
Đề nghị các sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thu hái, công nghệ chế biến sau thu hoạch. Nghiên cứu lập bản đồ nông hóa thổ nhưỡng dành cho cây hồi, xác định rõ những khu vực phù hợp với cây hồi để làm căn cứ lập kế hoạch đầu tư. Hoàn thiện quy trình khép kín trồng và chăm sóc hồi đáp ứng tiêu chuẩn những thị trường cao cấp; lập quy hoạch chi tiết phát triển cây hồi trên địa bàn Văn Lãng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn