Với người nông dân hiện nay, việc lựa chọn các sản phẩm thiết yếu dùng trong nuôi trồng thủy sản đa phần dựa vào may rủi. Theo ông Phan Thanh Liêm, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Kiên Giang, trên thị trường thức ăn và thuốc thú y hiện nay có rất nhiều sản phẩm, thật giả lẫn lộn nên gây khó khăn cho công tác kiểm soát và thiệt hại lớn cho nông dân.
Thức ăn thì có hàng chục chất khác nhau, trong khi quy định chỉ kiểm tra chất chính nên dù biết có sai phạm thì cũng rất khó có thể phát hiện. Hơn nữa, vấn đề thời gian trong kiểm nghiệm thức ăn đang gây nhiều bất lợi, và tạo nhiều kẽ hở để doanh nghiệp có điều kiện "lách luật". Bởi, thức ăn thủy sản có thời gian sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 60 ngày, tối đa là 90 ngày, nhưng thời gian lấy mẫu đưa đi kiểm tra đến khi có kết quả nhanh cũng mất gần một tháng. Trong khi đó theo quy định, doanh nghiệp được quyền yêu cầu tái kiểm định lại lô hàng, nên nếu ngành chức năng lấy trúng mẫu hàng gần hết hạn sử dụng thì không thể tái kiểm.
Chất lượng thức ăn ảnh hưởng lớn đến năng suất thủy sản - Ảnh: LHV
Cùng đó, giá trị dinh dưỡng trong thức ăn hiện nay cũng nhiều bất cập, thậm chí rất "đáng nghi ngờ". Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Cá tra Thới An (Cần Thơ) cho biết, tình hình thức ăn thủy sản hiện nay rất bát nháo, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong khi nông dân chỉ có thể phát hiện thức ăn kém chất lượng khi vật nuôi… nuôi mãi không lớn hay chết nhiều. Bởi đa phần những loại thức ăn được bán trên thị trường đều công bố hàm lượng đạm rất cao, theo tiêu chuẩn cho phép, còn người nuôi mua chỉ dựa vào hệ số ghi trên bao bì.
Một câu hỏi đặt ra, vì sao biết có sai phạm nhưng khi kiểm tra thì hầu hết kết quả đều cho rằng "tất cả đã đúng quy trình, quy cách"? Có rất nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất, nói như ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, ngành chức năng phải kiểm tra ở cả khâu sản xuất của doanh nghiệp lẫn các vùng nuôi, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp sản xuất thức ăn kém chất lượng rồi bán trực tiếp cho nông dân với giá rẻ.
Mặt khác hiện nay, theo đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT: Công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, bởi các cơ sở được kiểm tra dường như có "nội gián" nên nhiều hành vi vi phạm đã được xử lý trước khi đoàn đến, hoặc đóng cửa, ngừng bán, cho công nhân đi nghỉ mát, sửa chữa nhà xưởng…
Theo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định NTTS, trung bình mấy năm trở lại đây, tỷ lệ thức ăn thủy sản vi phạm về chất lượng khá cao, chiếm đến hơn 20%/năm. Trên thị trường hiện có khoảng 5.000 sản phẩm thức ăn hỗn hợp, 3.000 sản phẩm thức ăn bổ sung và khoảng 3.000 chế phẩm xử lý môi trường đang lưu hành, tuy nhiên, các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được khoảng… 100 sản phẩm. Điều này có lẽ đủ để giải thích vì sao nạn nhân của những sản phẩm thức ăn kém chất lượng vụ sau nhiều hơn vụ trước. Cùng đó, do lợi nhuận cao nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không ngần ngại nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Đặc biệt, nếu đại lý nào đó bị phát hiện bán hàng kém chất lượng, nhiều công ty sẵn sàng đứng ra chi trả số tiền nộp phạt vốn "chẳng đáng là bao". Đây có lẽ là nguyên nhân khiến việc bán các sản phẩm thức ăn thủy sản kém chất lượng ngày càng công khai.
Không những vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân lớn nhất và hàng đầu là do mức phạt chưa đủ sức răn đe. Chính sự "nhẹ tay" này đã khiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm bởi lợi nhuận từ việc kinh doanh này quá cao. Và nói một cách thẳng thắn, việc thanh, kiểm tra chất lượng hiện nay chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" nên nông dân còn phải lo lắng nhiều hơn nữa!
>> Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, qua 2 đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm. Đoàn Thanh tra đã xử phạt với tổng số tiền trên 125 triệu đồng, mức phạt chỉ từ 750.000 đồng đến 12,5 triệu đồng/lỗi vi phạm. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn