Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL-Sóc Trăng 2014 (MDEC-Sóc Trăng 2014), sáng ngày 07/11, Ban chỉ đạo tây Nam Bộ và Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã tổ chức Hội nghị “Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững”.
Dự hội nghị có PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; Trung tướng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Trần Phi Hổ; đại diện tác tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý; đại diện Chính phủ, các bộ, ngành; đại diện các quỹ tài chính quốc tế, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng các đại biểu đến từ các địa phương trong khu vực.
Mục đích của Hội nghị nhằm tạo ra cuộc đối thoại đa chiều nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và cải thiện cơ sở hạ tầng, hướng tới nền kinh tế xanh được coi như là một trong những phương thức nhằm xoá đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống. Hội nghị cũng nhằm nhấn mạnh đến vấn đề tăng trưởng xanh là phải tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hoá đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người với điều kiện hưởng thục hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển. Đồng thời, Hội nghị cũng chỉ ra rằng: Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện bến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao sẽ tác động mạnh vào nhiều vùng của đất nước. Theo PGS-TS Nguyễn Thế Chinh (Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường): Tăng trưởng xanh nhằm đạt được một nền kinh tế xanh và hướng tới phát triển bền vững đang là xu hướng chung của nhiếu quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam đã có chiến lược tăng trưởng xanh, hiện nay đang được triển khai tại các Bộ, ngành và địa phương. Cùng với việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang nền kinh tế xanh. Nếu thực hiện thành công, chúng ta sẽ rút ngắn được khoảng cách phát triển so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo PGS-TS Nguyễn Thế Chính, để hướng tới một nền kinh tế xanh, Việt Nam cần nhiều nỗ lực, phát huy tốt nội lực của mình mà không rập khuôn theo bất cứ nước nào. Muốn vậy, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân dối với tiêu dùng xanh và sản phẩm xanh thân thiện môi trường; Đối mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập thị trường cho tiêu dùng xanh, lấy thị trường làm động lực thúc đẩy sản phẩm xanh đề thu hút sản xuất xanh đối với các doanh nghiệp; Tăng cường nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ và phát triển những ngành nghề lĩnh vực mới, hướng đến tạo sản phẩm cho tiêu dùng xanh; Tăng cường hơn nữa và mở rộng hợp tác quốc tế trong sản xuất và tiêu dùng xanh. Theo TS. Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, tăng trưởng xanh, không có sự lựa chọn khác song cũng đầy thách thức. Vì vậy, cần phải hành động ngay bây giờ. Theo TS. Thành, môi trường là một loại vốn, cần được đóng góp cho tăng trưởng, phải được tính đến, được đầu tư và sử dụng hiệu quả. Thạc sĩ Trần Thị Thu Hương (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) đã chỉ ra những khó khăn mà phát triển kinh tế theo hướng bền vững phải đối mặt là nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, bất cập và tiếp tục đối mặt với những thách thức như lạm phát có nguy cơ tăng cao; cân đối ngân sách tiếp tục gặp khó khăn trong điều kiện tốc độ phục hồi của sản xuất, kinh doanh trong nước còn chậm; sức cầu của nền kinh tế yếu;… Đặc biệt, tỷ trọng năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong cơ cấu sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp: 3,5% năm 2010; dự kiến 5,6% năm 2020 và 9,4% năm 2030. Mức độ sử dụng các nguồn năng lượng mới so với tiềm năng của Việt Nam còn hạn chế; hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng ở mức thấp so với một số nước trong khu vực và thế giới. Ngoài ra, còn có các khó khăn như chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp chậm; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để phát huy lợi thế của địa phương nói riêng, của vùng nói chung. Theo đó, bà Hương đề xuất, trong thời gian tới, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp như: Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực và chú trọng giải quyết nợ xấu,… Sớm ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xây dựng quỹ năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá bền vững. Tăng cường liên kết giữa các vùng và địa phương. Hội nghị cũng đã nghe các đại biểu, các nhà khoa học bàn bạc, thảo luận, trao dổi, đóng góp nhiều ý kiến, nhiều giải pháp trong việc tìm ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư cho công nghiệp phục vụ nông nghiệp, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế xanh, bền vững.