Thường xuyên “dính” dịch!
Từ năm 2008 đến nay, chưa năm nào Hà Tĩnh không “dính” một trong các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm. Trong đó, nhiều lần xảy ra các dịch nặng như lở mồm long móng (LMLM) ở trâu bò, tai xanh ở lợn, dịch cúm ở gia cầm… Đặc biệt, “đại dịch tai xanh” năm 2008 quét qua địa bàn 70 xã của 5 huyện, thành phố, thị xã, buộc tiêu hủy trên 30 ngàn con lợn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch. Ảnh: Nhật Thắng |
Năm 2013 vừa qua cũng xảy ra dịch cúm gia cầm tại 4 thôn ở 4 xã của Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và TP Hà Tĩnh, làm 2.059 con gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy. Cũng trong năm 2013, có 2.481 con gia súc của 1.490 hộ ở 293 thôn tại 114 xã thuộc 10 huyện, thị, thành phố mắc bệnh, làm chết và phải tiêu hủy 66 con. Trong đó, dịch LMLM týp A xẩy ra 2 đợt. Dịch tai xanh ở lợn (từ ngày 8/1/2013 đến 13/5/2013) xảy ra tại 484 hộ ở 109 thôn của 21 xã thuộc 3 huyện (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân) và TP Hà Tĩnh, làm 2.782 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy 2.253 con.
Ngoài ra, các loại dịch bệnh khác như: tụ huyết trùng, ký sinh trùng máu ở trâu bò; dịch tả, phó thương hàn ở lợn; Newcastle (dịch tả), tụ huyết trùng gia cầm cũng xẩy ra ở một số địa phương nhưng không lây lan, bùng phát thành dịch.
Đợt dịch cúm gia cầm hiện nay, tại địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng đã bắt đầu xuất hiện một số gia cầm chết. Tỉnh, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, thực hiện dập dịch, khống chế dịch một cách hiệu quả nhất.
Nhận định nguyên nhân
Có thể nói có vô vàn nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, dẫn đến tình trạng Hà Tĩnh luôn “dính” các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm trong 5 năm liên tục gần đây. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn (trung bình, tỉnh ta luôn có gần 6 triệu con gia cầm, 400 ngàn con lợn, 240 ngàn con trâu bò) nhưng hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán; một số nơi có mật độ chăn nuôi cao nhưng môi trường không đảm bảo trong khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt; nhiều địa phương, người chăn nuôi chưa coi trọng công tác phòng dịch; việc quản lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và hành nghề thú y tự do thiếu chặt chẽ hoặc còn bị buông lỏng... là nhiều trong những nguyên nhân làm xuất hiện, phát sinh dịch bệnh.
Gà thịt vẫn được bày bán không qua kiểm dịch |
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, tuy đã được tăng cường, nhưng hiệu quả còn thấp nên ý thức về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong tiêu dùng của người dân còn nhiều hạn chế. Một số nơi, khi dịch xảy ra, chính quyền địa phương còn lơ là, chủ quan; việc tổ chức, triển khai phòng, chống dịch không đồng bộ và thiếu quyết liệt. Công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở còn thiếu chặt chẽ.
Thậm chí, có những trường hợp dịch LMLM xảy ra hơn 1 tháng, tỉnh mới nhận được báo cáo. Một số địa phương không tổ chức rà soát tổng đàn và chuẩn bị tốt các điều kiện trước khi tiêm phòng; tổ chức tiêm phòng chậm so với kế hoạch, dẫn đến kết quả đạt thấp. Riêng đối với dịch bệnh LMLM, do xuất hiện vi-rút gây bệnh mới (týp A), trong khi vắc-xin phòng bệnh theo chương trình quốc gia là týp O nên đàn gia súc không được bảo vệ an toàn. Đặc biệt, mạng lưới thú y cơ sở tại một số địa phương còn thiếu và yếu nên công tác chống dịch gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tiến - Trưởng phòng Dịch tễ - Chẩn đoán - Xét nghiệm (Chi cục Thú ý tỉnh) nói: “Ngoài nguyên nhân khách quan thì phải thừa nhận rằng, công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta hiện nay “yếu từ cơ sở”. Và, đúng như ông Tiến nói, khi “yếu từ cơ sở” và cả những nguyên nhân khách quan, chủ quan như đã nêu trên đã dẫn đến một thực tế là các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh ta, cứ “đến hẹn lại lên”.
CHÍNH THU - NGUYỄN OANH
Nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn