Hiệu quả bước đầu
Giống vịt biển được nhiều địa phương có tình trạng xâm nhập mặn quan tâm. Ảnh: N.V
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Cục phó Cục Chăn nuôi, vịt biển là đối tượng thích hợp cho các vùng ven biển chịu ảnh hưởng nặng của BĐKH hay các vùng hải đảo. Trong đề xuất các gói kỹ thuật để thích ứng BĐKH gồm giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, Cục sẽ tiếp tục hỗ trợ nhằm tăng cường đàn giống gốc cho vịt biển và các giống khác tại Vigova. Các tỉnh cần có thêm các cơ sở giống cũng như đề án nâng cao năng lực quản lý giống và cơ sở cung cấp giống tại chỗ... |
Ông Lê Văn Việt, ngụ xã Phong Thạnh Tây B (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) nói, địa bàn huyện chia thành 2 vùng sản xuất rõ rệt: Vùng sản xuất lúa và vùng chuyển đổi chuyên nuôi tôm kết hợp trồng lúa và các loài thủy sản khác. Nhưng biến đổi khí hậu (BĐKH) gần đây khiến con tôm ở vùng chuyển đổi liên tục bị bệnh, chết; đời sống người dân nhiều khó khăn.
Năm 2016, gia đình ông Việt được Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học - công nghệ huyện hỗ trợ đầu tư mô hình nuôi thử nghiệm 100 con vịt biển. Qua 1 năm nuôi, giống vịt này phát huy ưu điểm khi chịu được nguồn nước mặn, ít bệnh, mau lớn, không bị bệnh đường ruột, sâu lông như các giống vịt khác.
Cụ thể, ông Việt kể trong điều kiện hạn mặn từ 8 - 10 ‰, vịt vẫn uống được nước mặn. Trước đó, các giống vịt khác nuôi tại các vùng nước lợ vào những tháng 3 – 8, độ mặn tăng cao, vịt dễ nhiễm bệnh tiêu chảy, chậm lớn, bị quăn lông và giảm sản lượng trứng.
“Vịt biển là giống kiêm dụng, có thể nuôi thịt hoặc nuôi đẻ trứng. Hiện tại, đàn vịt sống trong điều kiện nước mặn nhưng vẫn cho trứng hàng ngày” - ông Việt nói.
Giống vịt biển có đặc điểm nổi bật là sống được ở môi trường ngọt, lợ, mặn đều được. Ảnh: N.V
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng - Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Phước Long (Bạc Liêu) cho biết đây là mô hình mới nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi. Giống vịt biển có khả năng thích nghi rộng trên mọi nguồn nước, sinh trưởng nhanh, có thể thả nuôi ở các cửa sông, ngoài đảo xa.
Trong 2 năm 2016, 2017, Trung tâm đã đầu tư 1.000 con vịt biển cho 10 hộ dân ở vùng chuyển đổi nuôi thử nghiệm. Kết quả, sau 3 tháng nuôi vịt trống đạt trọng lượng từ 3 - 3,2 kg/con, vịt mái đạt từ 2,5 - 2,7 kg/con. Mỗi gia đình tuyển chọn giữ lại 10 con trống và 50 con mái để tiếp tục nuôi lấy trứng.
Sau 21 tuần tuổi vịt bắt đầu đẻ, số lượng trứng thu hoạch giai đoạn đỉnh cao mỗi hộ đạt 40-45 trứng/đêm (tỷ lệ đẻ trên 80%). Khối lượng trứng ở giai đoạn vịt mới đẻ là 65 - 70gram, giai đoạn vịt đẻ cao ổn định khối lượng trứng đạt 85 gram. Vịt biển tăng trọng nhanh hơn giống vịt địa phương từ 10 - 15% vì tính háo ăn. Vịt biển trưởng thành đạt trọng lượng từ 3 kg/con trở lên.
“Thực tế, mô hình nuôi vịt biển ở vùng chuyển đổi huyện Phước Long là mô hình mới, đối tượng mới, là hướng đi mới để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, đặc biệt là khi BĐKH ngày càng phức tạp” - bà Hồng nói.
Cần định hướng chuyên sâu
Giống vịt biển có đặc điểm nổi bật là sống ở môi trường ngọt, lợ, mặn đều được. Ảnh: N.V
Theo TS Dương Xuân Tuyển - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm (Vigova), sau 3 năm nghiên cứu và chuyển giao, vịt biển đang phát triển tương đối tốt, bước đầu được hầu khắp các tỉnh ĐBSCL tiếp nhận.
Kết quả phân tích cho thấy vịt biển có tỷ lệ protein trong cơ đùi và cơ ức cao hơn so vịt siêu nạc. Vịt uống nước muối có độ mặn 10 – 15 ‰ có khả năng đào thải nên không gây tồn dư lượng muối trong cơ thể.
Thành phần hóa học và axit amin của trứng vịt biển so với giống vịt chuyên trứng không có sự khác biệt lớn. Trứng vịt biển lại chứa nhiều axit amin, đặc biệt là nhóm các axit amin thiết yếu và là nhóm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho con người.
“Tuy nhiên, do là giống mới nên cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu để khai thác được tối đa tiềm năng sinh học của vịt biển. Thị trường đầu ra cũng là một vấn đề cần quan tâm khi phát triển đại trà” - TS Tuyển chia sẻ.
Ông Lưu Thành Long - cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho rằng hiệu quả kinh tế còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường đầu ra. Năm 2016, tại tỉnh Sóc Trăng, có thời điểm giá vịt biển rất cao từ 41.000 – 44.000 đồng/kg, bình quân mỗi hộ nuôi thu lãi khoảng 8,5 triệu đồng.
Đến 2017, giá vịt dao động còn 34.000 – 38.000 đồng/kg thì không có lãi. Tính bình quân cả mô hình, lợi nhuận chỉ đạt 2 triệu đồng/hộ. Thị trường và giá tiêu thụ không ổn định nên ít nhiều cũng tác động đến tâm lý người chăn nuôi.
Tuy nhiên, lợi thế của mô hình nuôi vịt biển so với nuôi vịt bình thường được thể hiện ở các chỉ tiêu kỹ thuật như tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt và ít tốn thức ăn. Mô hình tạo được hiệu ứng tích cực về mặt môi trường và xã hội khi được định hướng theo hướng bền vững, giải quyết thời gian nông nhàn ở nông thôn, tạo việc làm cho nông dân để góp phần xóa đói giảm nghèo.
“Kết quả thực hiện cho thấy giống vịt biển có ưu thế về năng suất và chất lượng và đều được các hộ đánh giá cao. Đây chính là điều kiện quan trọng trong việc mở rộng, lan tỏa từ dự án ra sản xuất” - ông Long khẳng định.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn