NDĐT- Trong buổi làm việc chiều 26-6 tại trụ sở UBND tỉnh Bình Định để tìm cách sửa chữa số tàu vỏ thép bị hư hỏng, lần nữa công ty đóng tàu hỏng Đại Nguyên Dương không cử đại diện đến dự. Qua Báo Nhân Dân điện tử, các ngư dân có tàu đóng tại công ty này bị hỏng đã gửi lời nhờ giúp đỡ. Và các luật sư đã nhận lời giúp ngư dân miễn phí.
Đại Nguyên Dương sẵn sàng hầu tòa (?!)
Đây là lần thứ hai liên tiếp, công ty Đại Nguyên Dương không cử người đến dự các cuộc họp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định tổ chức để tìm hướng khắc phục hậu quả do công ty để lại. Lần gần đây nhất, ngư dân nhìn thấy ông Nguyên, Giám đốc công ty là tại hội nghị chuyên đề về đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014, tổ chức hôm 9- 6 tại thành phố Quy Nhơn.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Định, Công ty Đại Nguyên Dương đã thực hiện hợp đồng đóng mới năm chiếc tàu vỏ thép cho các ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, Võ Tuân, Mai Văn Chương, Trần Minh Vương, Nguyễn Văn Lý. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy một năm, phần vỏ tàu, mặt boong, trang thiết bị trên tàu của số tàu nói trên bị rỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng. Cơ quan chức năng đã cắt mỗi tàu hai mảnh thép, gửi giám định. Kết quả trưng cầu cho thấy mỗi tàu có một mẫu thép không đạt chất lượng nhóm A (nhóm để đóng tàu), hầm bảo quản bị đọng nước, tiêu đá nhiều, hầm có hiện tượng rỉ sét. Nhiều thiết bị hàng hải trang bị trên tàu không đúng với loại đã quyết toán theo hợp đồng. Nặng nhất vẫn là khối lượng thép đóng tàu, tuy công ty thanh toán hợp đồng theo chủng loại thép Hàn Quốc, nhưng trên thực tế lại đóng bằng thép Trung Quốc.
Việc Công ty Đại Nguyên Dương “né” hai cuộc họp, dường như không gây bất ngờ đối với các ngư dân đóng tàu. Theo ông Nguyễn Văn Lý, cách đây gần một tháng, khi tổ thẩm định tàu vừa bắt tay vào thẩm định chất lượng tàu vỏ thép, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương đã ra giá đưa 250 triệu đồng để sửa tàu, nhưng ông Lý không đồng ý. Từ đó, phía công ty có nói “các ông cứ kiện, công ty sẽ theo hầu. Sau tuyên bố này, phía công ty không liên lạc với ngư dân nữa”, ông Lý cho biết.
Tại buổi làm việc chiều nay bàn hướng xử lý tàu hư hỏng giữa UBND tỉnh Bình Định, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (vắng Công ty Đại Nguyên Dương), đại diện các ngành ở tỉnh và ngư dân, ông Lý muốn đề đạt ba yêu cầu, đó là đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương thay thép Hàn Quốc, thay thế các trang thiết bị hàng hải, hệ thống điện đúng theo hợp đồng cho ngư dân. Tiếp đó, đề nghị phía Ngân hàng BIDV thuê kiểm toán độc lập, đánh giá lại giá trị thực của con tàu. Trong trường hợp giá đóng tàu sau kiểm toán thấp hơn, đề nghị công ty đóng tàu xuất toán, trả lại tiền cho ngư dân để giảm nợ tại ngân hàng. Cuối cùng là đề nghị công ty đóng tàu thanh toán tất cả chi phí, thiệt hại do việc đóng tàu không bảo đảm chất lượng, dẫn đến việc tàu phải nằm bờ cho ngư dân.
Sớm giúp ngư dân lập hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Định đã chính thức công bố kết quả thẩm định chất lượng 18 con tàu vỏ thép ở Bình Định, (trong đó 5 chiếc do Đại Nguyên Dương, 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng). Qua đó cho thấy, mặc dù các công ty đã ký hợp đồng với ngư dân rất chặt chẽ, nhưng khi bắt tay vào việc, mỗi công ty lại có một kế hoạch riêng. Vì thế, con tàu khi đóng xong vừa nhanh hỏng, vừa không đúng giá trị như hợp đồng đã ký.
Về sai phạm của các công ty, trong kết luận của tổ thẩm định đã thể hiện rõ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu các công ty phải khẩn trương thay mới, sửa chữa các thiết bị, hạng mục đúng theo hợp đồng để ngư dân sớm vươn khơi. Cạnh đó, các công ty còn có trách nhiện bồi thường các khoản thiệt hại do tàu hư hỏng, nằm bờ mà ngư dân đang gách vác.
Trao đổi với Báo Nhân Dân điện tử, một số ngư dân cho rằng, các khoản thiệt hại do tàu nằm bờ là rất lớn. Trong đó các khoản nợ ngân hàng, chi trả tiền cho bạn đi biển, tiền neo đậu thì có thể có chứng từ. Còn các khoản thiệt hại khác như thiệt hại do không đi biển thì chưa biết sẽ tính như thế nào. Ngoài các khoản đó, còn có khoản nào được pháp luật thừa nhận?
Trong khi đó, nhóm ngư dân đóng tàu ở Công ty Đại Nguyên Dương chiều nay đã liên hệ với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử nhờ chuyển lời đến nhóm luật sư có thành ý giúp ngư dân bảo vệ quyền lợi miễn phí. Và nhóm luật sư Nguyễn Thành Sơn, Nguyễn Trung Thành, Vũ Ngọc Luân, Hoàng Trung Sỹ thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội đã nhận lời về Bình Định sát cánh cùng ngư dân. Trước mắt sẽ củng cố hồ sơ, tiến tới khởi kiện tại tòa.
* Bài 1: Tàu vừa đóng xong đã hỏng
* Bài 2: Rút ruột tàu cá vỏ thép, sao mà dễ!
* Bài 3: Cần sớm rà soát việc thực hiện Nghị định 67/CP
* Bài 4: Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Làm rõ trách nhiệm, bảo đảm quyền lợi của ngư dân
* Bài 5: Ngư dân cũng cần chủ động giám sát chất lượng đóng tàu
* Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra việc đóng tàu theo Nghị định 67
* Hôm nay, Bình Định bắt đầu thẩm định lại chất lượng tàu cá vỏ thép
* Yêu cầu thay mới máy và vỏ tàu theo đúng hợp đồng cho ngư dân Bình Định
* Bài 6: Bất ngờ xin… được làm đúng!
* Bài 7: Đừng xem tàu vỏ thép là… “miếng bánh”! – 5% còn lại
Khởi tố vụ án, giúp dân lập hồ sơ Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định trong buổi làm việc chiều nay về xử lý số tàu vỏ thép nằm bờ. Tại cuộc họp này, Tổ thẩm định cho biết tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng phần lớn có sai phạm ở phần thép đóng vỏ tàu, hầm bảo quản, thiết bị hàng hải, điện, tời. Còn tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng lỗi tập trung ở phần máy. Trong khi công ty hợp đồng đóng máy thủy mới 100%, chính hãng Misubishi, thì thực tế lại đóng máy bộ, đã qua sử dụng. Hồ sơ kèm theo máy không bảo đảm thủ tục pháp lý. Một máy Dosan vừa đưa vào sử dụng đã bị hỏng nặng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu lần nữa đề nghị hai công ty nói trên sớm thay thế các thiết bị, hạng mục đúng theo hợp đồng đã ký và trả lại tiền thiết kế, bồi thường thiệt hại cho ngư dân. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã đề nghị cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Định tiến hành khởi tố vụ án, trước mắt, đối với Công ty Đại Nguyên Dương vì việc đóng tàu gian dối, né tránh khắc phục hậu quả. Các ngân hàng sớm có phương án giãn nợ đối với các chủ tàu có phương tiện hư hỏng. Các địa phương hỗ trợ ngư dân lập hồ sơ khởi kiện. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn