Từ vài chục gốc nhãn, vải, bưởi, mít
Cùng với diện tích đất mà gia đình đã có, vào năm 2015 với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Trần Văn Bình bàn với vợ quyết định thuê thêm đất từ xã Bảo Thành, và mở rộng trang trại với diện tích 2,7 ha.
Mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi ong lấy mật đã tạo cho gia đình ông Trần Văn Bình một cơ ngơi với thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ảnh: Cảnh Thắng
“Sau khi thuê đất, tôi đã quyết định làm thử nghiệm mỗi loại một ít, để dễ giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Vùng đất gia đình tôi thuê rất phù hợp với các loại cây ăn quả và chăn nuôi...Do đó, ban đầu chỉ đầu tư trồng 30 gốc nhãn, 40 gốc vải, 40 gốc bưởi Diễn, 100 gốc mít Thái, 180 tổ ong lấy mật, 2 sào ao thả cá, nuôi gà, trồng hoa màu…Đến nay nhờ chịu khó mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, bước vào thời kỳ phát triển...” ông Bình tâm sự.
Trong quá trình phát triển kinh tế trang trại, ngoài kiến thức đã tích lũy được từ những trang trại địa phương mà ông từng học hỏi, ông chịu khó mày mò, tìm tòi các loại tài liệu, sách, báo, mạng Internet,…Đặc biệt sau khi được cán bộ Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An, phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế VAC, dần dần ông Bình đã tìm được những thứ mình thiếu, mình cần, tìm ra cây, con giống chủ lực để phát triển trang trại và tạo ra hướng đi riêng của cho bản thân mình.
Trang trại bề thế, thu nhập 500 triệu/năm
Đến năm 2017, khi đã nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hơn, ông Bình đã đầu tư thêm 500 gốc thanh long ruột tím, và 250 gốc cam xã Đoài, đến nay bắt đầu cho kết quả. Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Văn Bình cho hay: “Thanh long ruột tím chất lượng ngọt, dễ trồng, đầu tư ít công sức, thị trường lại ưa chuộng. Đặc biệt thanh long ruột tím, chín kéo dài từ tháng 5 đến tháng 12 trong năm, ông sẽ chia ra hái quả bán vào ngày rằm và mồng một âm lịch hàng tháng sẽ dễ tiêu thụ hơn...".
Theo ông Bình, cam xã Đoài nay cũng đã ra hoa, tạo điều kiện cho đàn ong hút mật, thụ phấn, chính vì thế mà chất lượng mật ong cao hơn. Ngoài ra trong quá trình nuôi ong, ông đã chuẩn bị các loại dụng cụ sáp được cấy sẵn mô hình, nên con ong sẽ giảm thời gian xây tổ khoảng 17 ngày, rút ngắn thời gian tạo mật, nên số lượng mật được nhiều hơn.
Xung quanh tổ ong được ông Bình đục nhiều cửa để ong dễ thoát ra ngoài, tránh các loại thiên địch, như ong chần đến canh tại cửa chúng...
Đến nay cơ bản các loại cây đã phủ kín cả trang trại của ông Bình, tạo nên không gian bề thế, xanh, sạch, đẹp và quy cũ. Nhiệm vụ bây giờ của ông Bình là phải xác định cây nào là cây trồng nào là chủ lực, nuôi con nào là con chủ lực?.
Ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An trao đổi kinh nghiệm với hộ trang trại ông Trần Văn Bình. Ảnh: Cảnh Thắng
Theo ông Bình, đối với cây chủ lực thì phải có quy hoạch rõ ràng, nghĩa là kỷ thuật trồng cây hố nổi tốt hơn, tránh nghẹt rễ, thì khoảng cách giữa hai cây phải đảm bảo khoa học, đến gian đoạn từ năm thứ 5 trở lên, vừa chăm sóc vừa hái quả. Điều đáng nói, lúc trồng cây luôn phải đảm bảo ánh sáng cho cây quang hợp và ra quả nhiều nhất.
Riêng bón phân phải đúng chu kỳ, có hệ thống tiêu tốt tránh ngập úng về mùa mưa, hệ thống tưới phải đảm bảo về mùa nắng, không phụ thuộc vào thiên nhiên, cho kết quả như ý muốn, trồng theo hướng sạch, hướng tới có gắn mác truy xuất nguồn gốc rõ ràng, để sản phẩm đạt chất lượng, tạo thương hiệu khi đưa ra thị trường...
Đối với con chủ lực, thì hệ thống chuồng trại phải cải tạo khoa học, phù hợp với số lượng chăn nuôi, theo hình thức nuôi nhốt và bán thiên nhiên, có khoanh vùng, tránh ô nhiểm và luôn xử lý môi trường bằng các chế phẩm. Bao gồm 100 con gà, vịt, 2 con bò sinh sản, ao thả cá, ông đã tận dụng được những vùng đất trống quanh ao, vùng đất trống dưới cây ăn quả, trồng thêm rau để phục vụ dinh dưỡng cho gia đình, cho các loại con chủ lực trên.
Như vậy, sẽ không mất đi đâu, mà giảm bớt tiền mua thức ăn về đầu tư, đó là hình thức đầu tư có hiệu quả, sạch, tất cả thức ăn được sử dụng máy cắt, máy trộn, để giảm ngày công để tăng năng suất lao động.
Ngoài cây mít Thái, ông Trần Văn Bình còn trồng nhãn, thanh long ruột tím để bán cho khách hàng. Ảnh. Cảnh Thắng
Với cơ ngơi hiện tại như trên, và 3 lao động chính trong nhà, ông tính nếu đạt giá trị thu nhập trung bình trong một năm, phải đạt khoảng 1 tỷ đồng, chính mình tính toán được và làm chủ được mô hình nên trong quá trình đầu tư, mình đã kiểm soát được là có lợi nhuận hay không, tránh trường hợp làm theo cảm tính như trước đây, đến đâu tính đến đó, vừa thiếu vừa yếu, gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: “Muốn làm trang trại có hiệu quả, phải đầu tư bài bản, lâu dài số vốn bỏ ra ban đầu tư tương đối lớn, nên phải chọn sản phẩm cây, con chủ lực... Qua đó phải biết hoạch toán kinh tế dài hơi, khảo sát, tìm hướng ra cho sản phẩm, vốn ít, làm theo hình thức cuốn chiếu, tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm được tốt hơn, bởi đầu ra sản phẩm quyết định mô hình lớn hay nhỏ...".
"Phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, như vậy sẽ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm số lượng lao động, vẫn đảm bảo cho trang trại phát triển bình thường, khi trang trại hoạt động trôi chảy, là cơ sở để đẩy mạnh nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích,…”, ông Nguyễn Thế Thắng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn