Năm 1971 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh thanh niên làng Lù Thẳm Nguyễn Văn Thùng vừa tròn 18 tuổi rời quê hương lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam. Đất nước thống nhất, năm 1976 ông Thùng được phục viên trở về quê hương, mang theo trong mình “vết thương không chảy máu”, đó là nhiễm chất độc da cam trong cơ thể mà không hay biết.
Ông Thùng bên vườn chuối của gia đình.
Ông Thùng trải lòng: “Khi mới lập gia đình vợ chồng tôi rất khó khăn về đường con cái, thiếu thốn trăm bề, làm quần quật vẫn không ổn. Về sau mới biết tôi bị nhiễm chất độc màu da cam. Sau 6 năm lấy nhau, may mắn đã mỉm cười vợ tôi có bầu và đứa con sinh ra khỏe mạnh, cuộc sống dần đi vào ổn định”. Ở đây gần cửa khẩu nên hầu hết thanh niên trai tráng trong làng đều ra cửa khẩu bốc hàng thuê nhưng cơ thể của một người lính bị nhiễm chất độc hóa học Đioxin khiến ông không có sức khỏe để làm những công việc nặng. Vào những hôm trái gió trở trời là cơ thể lại hành hạ ông khiến người ông đau nhức.
Vợ và con trai ông Thùng đang tất bật chọn những buồng chuối đã già để thu hoạch kịp giao cho thương lái thu mua.
Nhận thấy cây chuối trồng khá phổ biến ở quê nhưng mỗi nhà chỉ trồng vài khóm để phục vụ gia đình, chưa có ai đầu tư trồng chuối làm kinh tế nên ông bàn với vợ phát đồi, phát thung lũng để trồng chuối. “Tôi đã có suy nghĩ trồng cây chuối phát triển kinh tế từ rất lâu rồi vì loại cây này dễ trồng mà ít chi phí đầu tư. Nhưng trước đây trong làng còn nhiều nhà chăn thả trâu bò nên cứ trồng là bị phá hết. Khoảng năm 2013 trâu bò chăn thả trong làng ít dần, tôi mới cùng vợ con phát cỏ cây dại trong thung lũng, đào hố trồng hơn 1.000 gốc. Rồi từ đó, gia đình mở rộng, đến nay cũng có khoảng hơn 1.400 gốc chuối tây.
Hiện nay chuối có đầu ra ổn định, thương lái đến tận nơi thu mua. “Tháng 2-3 lần thương lái lại đánh xe lên đây thu mua của dân nên không phải mang ra chợ bán. Nhà tôi tháng thu 2 lần, mỗi lần trung bình 20- 30 buồng chuối, trung bình thương lái trả 150-200 nghìn/ buồng tùy quả to đều, đẹp. Tính ra vườn nhà tôi cũng cho thu 50 - 60 buồng chuối/tháng nhờ vậy gia đình cũng có thu nhập ổn định.
Những buồng chuối có quả to đều, hơi chuyển sang rám nắng là có thể thu hoạch được.
Theo ông Thùng, cái khó nhất của người trồng là phải canh làm sao cho cây chuối trổ buồng, già đúng vào dịp tết mới bán được giá cao. “Vào tháng Tết, chuối bao nhiêu cũng không đủ bán, những tháng Tết có tháng thu hơn 10 triệu/tháng”. Riêng lứa chuối tết, giá tăng gấp đôi gấp ba ngày thường, mang về cho gia đình ông thu nhập đáng kể.
Chuối là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng ưa sâu ở thân vì vậy cần cắt tỉa bớt những lá già rủ xuống gốc, dọn cỏ sạch để hạn chế sâu bệnh. Các phần của cây chuối đều có thể tận dụng được hết: lá và thân chuối có thể thay thế rau xanh trong chăn nuôi, hoa chuối thì bán cho các nhà hàng, phần già bỏ đi có thể mang ủ thành chất dinh dưỡng bón cây...
Ông cho biết thêm, cây chuối phát triển đến tháng thứ 5 thì nứt cây con, khoảng tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 thì trổ buồng. Giai đoạn này đòi hỏi người trồng chăm sóc kỹ hơn. Trước hết phải vệ sinh gốc chuối thật sạch, cây con nứt lên chỉ để mỗi mẹ hai con, còn lại cắt bỏ để cây mẹ đủ sức nuôi buồng.
Những buồng chuối có trung bình 8 - 10 nải nên khá nặng. Họ phải dùng cây để đỡ, tránh làm va đập hoặc trầy xước.
Nhờ chăm sóc kỹ, cả vườn chuối phát triển tốt. Tuy ra buồng chưa đồng đều nhưng 100% cây mẹ đều cho buồng. Đến nay, đa số cây chuối con lứa đầu cũng đã ra buồng, chuẩn bị cho thu hoạch. Cứ một cây mẹ đẻ hai cây con, hai cây con ở lứa thứ hai sẽ có 4 cây cháu nữa, cứ như vậy số lượng cây chuối trong vườn tăng lên đều đặn. Ông Thùng trải lòng: “Trồng chuối đạt năng suất cao hơn trồng cây khác. Hơn nữa loại giống chuối này phát triển đồng đều, ít bệnh”.
Hiện tại gia đình ông cũng trồng thêm hồng vành khuyên, loại quả không hạt có màu vàng đẹp và được ưa chuộng. Nhờ cây hồng và cây chuối mà gia đình ông Thùng có thu nhập hơn trăm triệu/năm, xây được nhà cửa khang trang và xe cộ đi lại thuận tiện.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn