Nhiều thùng nước lọc miễn phí được các gia đình đặt trang trọng trước cửa nhà để phục vụ nhu cầu của du khách. Các nhà hàng, khách sạn, kinh doanh dịch vụ du lịch công khai niêm yết giá. Vào các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần thường diễn ra tình trạng “cháy” phòng, nhiều gia đình mở cửa để du khách được nghỉ miễn phí qua đêm... Những việc làm thân thiện ấy khiến du khách cảm thấy thân thiết và ấn tượng.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến nay, du khách đến với Lâm Đồng có sự tăng trưởng ấn tượng, đạt gần 3,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế có sự tăng trưởng ngoạn mục, tăng 39,32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lãnh đạo ngành du lịch địa phương, cùng với các giải pháp như: Nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, các khu điểm du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối; mở đường bay quốc tế… thì sự chung tay góp sức của cộng đồng dân cư nhằm xây dựng Đà Lạt thành điểm đến “an toàn, thân thiện và hấp dẫn” là động lực quan trọng giúp du lịch Lâm Đồng có bước phát triển ấn tượng.
Điều gì thôi thúc du khách hào hứng tới những miền đất mới và níu kéo họ quay trở lại? Rõ ràng, cùng với các điều kiện như cảnh quan, khí hậu, ẩm thực, văn hóa… thì không thể không nhắc tới yếu tố quan trọng là môi trường du lịch. Môi trường ở đây không chỉ là môi trường sinh thái, mà còn là môi trường nhân văn; là thái độ, phong cách ứng xử, phục vụ cùng với giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ du lịch. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, ngành du lịch cả nước đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường du lịch. Bên cạnh hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; ban hành các bộ quy tắc ứng xử; đào tạo nguồn nhân lực; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm thì công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ, nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, góp phần đưa du lịch trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2017.
Bên cạnh những tiến bộ đáng kể, môi trường du lịch tại một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, gây lo lắng, phiền hà cho du khách. Thời gian qua, hiện tượng du khách nước ngoài tới Việt Nam phải đối mặt với tình trạng trộm cắp, cướp giật, hành hung, bị chèo kéo, “chặt chém”, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí tử nạn vì tham gia phải tour du lịch “chui”... làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, uy tín của du lịch Việt Nam, khiến một bộ phận du khách quốc tế “một đi không trở lại”. Không chỉ du khách quốc tế, mà ngay những người Việt Nam đi tham quan, du lịch trên đất nước của mình cũng phải chịu những phiền hà về cách ứng xử, giá cả đắt đỏ của một số người dân địa phương.
Phát triển du lịch không chỉ đem tới lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, mà còn góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Do đó, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện chính là việc làm rất thiết thực; là chìa khóa bảo đảm cho ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Theo báo qdnd.vn