Sản xuất nông nghiệp có 3 công đoạn, gồm sản phẩm, dịch vụ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khoa học – kỹ thuật…); sản xuất trực tiếp ra nông sản; và dịch vụ đầu ra (thu hoạch, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…). Công đoạn đầu tiên và công đoạn cuối cùng của chuỗi giá trị nông sản này hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp kiểm soát. Theo ông Cự, vì mục tiêu lợi nhuận và quy luật thị trường, doanh nghiệp thường ép giá bán cao đối với sản phẩm, dịch vụ đầu vào và ép giá thu mua thấp đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Toàn bộ lợi nhuận phát sinh ở công đoạn đầu và cuối rơi vào tay doanh nghiệp. Người nông dân bỏ công sức, bỏ chi phí nhiều nhất, nhưng lại thu được lợi nhuận rất ít vì bị doanh nghiệp “móc túi”. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kinh nghiệm, thiếu vốn, nên nông dân thường không sơ chế, bảo quản nông sản để làm tăng giá trị, mà phải bán nông sản thô, cạnh tranh với nhau để bán sản phẩm thô, nên càng tạo điều kiện cho tư thương ép giá.
Nhưng khi gắn kết với nhau trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy mô tỉnh và liên hiệp hợp tác xã quy mô vùng, người nông dân sẽ làm chủ cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đầu tư để bảo quản, sơ chế gia tăng giá trị, nên công sức của họ không bị rơi vào tay đối tượng khác. Ngoài ra, thông qua hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Theo ông Võ Kim Cự, hợp tác xã kiểu mới thành lập khi và chỉ khi có những liên kết rõ ràng, đem lại lợi ích thiết thực cho từng thành viên. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều kiện “cần”. Còn điều kiện “đủ” đòi hỏi phải có những sáng lập viên am hiểu Luật Hợp tác xã, am hiểu bản chất hợp tác xã, nhiệt tình vận động những ai có cùng nhu cầu gia nhập hợp tác xã kiểu mới. Điều này đòi hỏi năng lực của những người đứng đầu khu vực kinh tế tập thể.
Bên cạnh những hợp tác xã đã thành công khi áp dụng mô hình kiểu mới vào hoạt động cũng như tạo chuỗi liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tỉnh, thành phố hoạt động cầm chừng và đáng buồn là không ít các chủ nhiệm hợp tác xã vẫn còn lơ mơ, chưa hiểu rõ về bản chất của hợp tác xã kiểu mới, luật mới. Chính vì vậy, họ quan niệm rằng dù hoạt động theo luật cũ hay mới cũng không có gì thay đổi ngoài tên gọi.
Tại Hải Phòng, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu tập trung làm dịch vụ đầu vào cho nông nghiệp, tức là phối hợp với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp hàng hóa trả chậm cho nông dân, chứ chưa khẳng định được vai trò định hướng sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm do người nông dân làm ra đến với thị trường. Các phương án sản xuất kinh doanh, tìm kiếm giống cây, vật nuôi chủ lực vẫn do người nông dân tự làm.
Ông Võ Kim Cự cho rằng, kinh tế hợp tác, hợp tác xã vẫn thuộc thành phần yếu thế, cả về vốn, trình độ quản lý, kinh nghiệm lẫn cạnh tranh trên thị trường, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước từ bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới… đến đất đai, vốn đầu tư, vốn tín dụng, bảo lãnh tín dụng.
Theo Báo Tin tức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn