Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra thực tế sản xuất lúa. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Thời gian qua, vào các thời điểm thu hoạch cao điểm ở khu vực ĐBSCL, giá lúa, gạo thường sụt giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam thu mua tạm trữ từ 500.000 đến 1 triệu tấn quy gạo. Năm 2012 đã có 2 đợt mua tạm trữ, tổng lượng thu mua đạt 1,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, phương thức mua tạm trữ này đã bộc lộ một số điểm chưa sát mục tiêu đề ra, việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ chưa phù hợp với khối lượng lúa hàng hoá của từng địa phương, thời gian thực hiện mua tạm trữ ngắn (chỉ trong 1 tháng) trong khi thời gian thu hoạch cao điểm ở các tỉnh chênh lệch nhau.
Có hiện tượng doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua lúa, gạo qua thương lái nên nông dân không hưởng lợi trực tiếp. Cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát được việc mua tạm trữ này.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ chủ trương thực hiện việc tạm trữ mặt hàng xuất khẩu chiến lược gạo theo cơ chế với những quy định phù hợp, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa, có tính khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý thị trường, điều tiết giá, đảm bảo thu nhập cho nông dân và hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổ chức hội thảo, điều tra cơ bản để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo.
Trong đó phân tích kỹ hiện trạng, số liệu sản xuất, số lượng và chỉ tiêu tạm trữ, khả năng dự trữ trong dân, của doanh nghiệp kinh doanh, thương lái, đầu mối xuất khẩu gạo, rồi tổ chức lấy ý kiến của các địa phương sản xuất, xuất khẩu gạo để xây dựng quyền hạn, trách nhiệm quản lý, phân cấp phù hợp, cũng như các vấn đề về đối tượng, chính sách vay vốn, hỗ trợ cụ thể.
Nguyên Linh
Theo baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn