Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang là công trình trọng điểm, đa mục tiêu, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 32.585 ha đất canh tác, 6.000 ha nuôi trồng thủy sản tại 8 huyện, thị xã phía bắc Hà Tĩnh. Với cao trình thiết kế đỉnh đập đạt 57,8m, dung tích hồ chứa 775 triệu m3, đập chính hồ Ngàn Trươi có nhiệm vụ tích nước và điều tiết lũ cho vùng hạ du với dung tích phòng lũ 157 triệu m3.
Ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về thủy lợi đã thu thập số liệu thủy văn; điều tra hiện trạng các mốc cảnh báo lũ, lập và phân tích các tình huống xả lũ và vỡ đập; tính toán ngập lụt hạ du với tần suất xả lũ thường xuyên 10%, 5%… Từ kết quả điều tra, khảo sát, bước đầu đưa ra những dự báo, cảnh báo về những tác động môi trường, xã hội hạ lưu tràn xả lũ hồ chứa nước Ngàn Trươi.
Theo các nhà khoa học, ngoài những mặt tích cực của dự án, thì việc chuyển nước từ lưu vực sông Ngàn Trươi sang lưu vực suối Khe Trí sẽ có tác động lớn đến sự biến đổi của chế độ thủy văn, thủy lực, biến hình lòng dẫn trên dọc suối Khe Trí. Trong đó, vấn đề quan tâm là việc vận hành công trình xã lũ trong quá trình dẫn dòng thi công và vận hành công trình sẽ gây ra những tác động như thế nào cho lòng dẫn Khe Trí cũng như vùng hạ du.
Theo khảo sát, do lòng sông hẹp, dốc, uốn khúc liên tục nên diễn biến xói lở trên lòng dẫn Khe Trí diễn ra trên toàn bộ phạm vi và xói - bồi đan xen nhau. Từ những phân tích về những tác động bất lợi, các chuyên gia kiến nghị cần có giải pháp ổn định lòng dẫn Khe Trí tại các vị trí co hẹp, đặc biệt là mở rộng lòng dẫn tại eo thắt số 5 phía trước đoạn kênh dẫn vào Khe Trí; hoặc bằng giải pháp giảm độ dốc thủy lực trên toàn bộ Khe Trí. Ngoài giải pháp kỹ thuật, thì phải cắm mốc cảnh báo dọc 2 bờ lòng dẫn, chặt bỏ hết diện tích cây cối để tránh hiện tượng khi xả lũ, cây cối bật gốc gây tắc nghẽn dòng chảy hoặc tạo ra các đập phụ và gây lũ quét.
Vấn đề ngập lụt vùng hạ du do xả lũ ảnh hưởng đến các tuyến giao thông trong khu vực cũng được tư vấn kỹ thuật tính, dự báo và đưa ra giải pháp. Theo đó, đối với đường giao thông nội bộ đi qua hầm chui trên đường Hồ Chí Minh, khi xả lũ với tần suất thiết kế P = 0,5% - 2% thì khu vực này bị ngập sâu và thời gian kéo dài 2 ngày. Giải pháp kỹ thuật đưa ra là xây các cột cảnh báo (cột thủy trí) tại các vị trí ngập và cảnh báo cho người dân địa phương có phương án chống lũ phù hợp.
“Nhằm đảm bảo chủ động cho chính quyền và người dân vùng hạ du (các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, TX Hồng, Thạch Hà, Nghi Xuân) trong tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập, các nhà khoa học cũng đã, đang tiếp tục lập và phân tích các tình huống, phấn đấu hoàn thiện dữ liệu, xây dựng bản đồ ngập lụt chi tiết trước mùa mưa lũ 2018” - ông Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình khẳng định.