Phó Chủ tịch LHH Việt Nam Phạm Văn Tân cho rằng, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp làm cơ sở đề xuất về việc nhân rộng LHH cấp huyện. Thời gian tới, LHH Việt Nam tiếp tục nghiên cứu về việc thành lập LHH cấp huyện; nếu thành lập thì cách thức tổ chức như thế nào... LHH mong muốn địa phương tiếp tục đồng hành, cho ý kiến và đề xuất các giải pháp giúp LHH cấp huyện hoạt động hiệu quả, khoa học hơn.
Thực tế hiện nay, hệ thống LHH KH&KT cơ bản gồm cấp trung ương và cấp tỉnh. LHH các cấp có vai trò tập hợp đoàn kết đội ngũ trí thức để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, một số địa phương thành lập hệ thống cấp huyện, thậm chí đến cấp xã, phường.
Tại Hà Tĩnh – một trong những địa phương thành lập mô hình LHH cấp huyện sớm nhất cả nước (năm 2002). Đến nay, tỉnh đã có 12/13 đơn vị thành lập LHH cấp huyện. Sau gần 15 năm thành lập, LHH các huyện tại Hà Tĩnh đã phát huy vai trò của đội ngũ trí thức vào sự phát triển của địa phương.
Ngoài ra, LHH cấp huyện đã làm tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội, có những đóng góp nhất định cho các chương trình, dự án của tỉnh. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức KHKT, chuyển giao công nghệ tại các địa phương; tổ chức các cuộc thi, hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng…
Song, thực tế, mô hình LHH cấp huyện vẫn đang bộc lộ những khó khăn, vướng mắc như: Mô hình tổ chức, kinh phí, nhân sự, cách thức hoạt động…
Tại hội thảo, các đại biểu LHH Trung ương, các tỉnh và một số địa phương tại Hà Tĩnh đã đồng tình cao với việc cần thiết thành lập tổ chức LHH cấp huyện. Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện bộ máy tổ chức LHH cấp huyện.
Trong đó, Phó Chủ tịch Thường trực LHH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thái Nhân cho biết, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình, điều kiện của từng địa phương, các hội KH&KT cấp huyện của Quảng Trị đã tích cực, sáng tạo tổ chức hoạt động có hiệu quả; vận dụng hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong điều kiện bộ máy hoạt động hội chủ yếu là kiêm nhiệm, kinh phí hạn hẹp.
Phó Chủ tịch Thường Trực LHH huyện Tân Kỳ (Nghệ An) Trần Tứ Bá bày tỏ, nhờ có lợi thế gần dân, LHH sẽ có thuận lợi trong chuyển giao KHKT, đưa KH&CN vào cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Nghệ An mới chỉ có một tổ chức LHH cấp huyện (huyện Tân Kỳ).
Cùng với đó, một số đại biểu khác cho rằng, mô hình LHH cấp huyện cần có các yếu tố: Cơ chế chính sách; tranh thủ sự lãnh đạo của chính quyền và sự đồng thuận của xã hội; khả năng quy tụ thành viên, trí thức, nhà khoa học…