Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều lĩnh vực
Lên các xã miền núi Quảng Trị mới thấy hết sự đổi thay của vùng đất một thời bị bom đạn hủy diệt. Hàng trăm héc-ta rừng trồng và cây công nghiệp như: cao-su, keo tai tượng, tràm hoa vàng, xoài, cà-phê... xanh ngút ngàn phủ lên các mỏm đồi chằng chịt hố bom, hố pháo năm xưa. Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Tà Long, A Ngo, A Bung và Ba Nang (Đa Krông); Thanh, Thuận, Xi, A Xing và Hướng Tân (Hướng Hóa) trước đây đời sống hết sức khó khăn, tập quán canh tác chủ yếu là “phát, cốt, đốt, trỉa”, du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, thì nay người dân đã định canh, định cư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhiều hộ gia đình vươn lên trở thành những triệu phú nhờ rừng trồng, cà-phê, sắn và chăn nuôi bò, dê, lợn.
Để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi, từ đầu năm 2017 đến nay, thông qua nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ hơn 34 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vực. Đầu tư 24,8 tỷ đồng khởi công xây mới 32 công trình và hoàn thành 24 công trình chuyển tiếp của năm 2016; hỗ trợ hàng chục tỷ đồng phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng và xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 giảm 1,94% (từ 15,43% đầu năm 2016 xuống còn 13,49% cuối năm 2016). Đến nay, tất cả xã ở miền núi Quảng Trị có đường giao thông về tận trung tâm, có trạm y tế, trường tiểu học và hầu hết các thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nhà sinh hoạt cộng đồng; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở, được khám chữa bệnh miễn phí.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hướng Tân (Hướng Hóa) Trần Xuân Sơn cho biết: Công tác xóa đói giảm nghèo ở xã đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đa Krông Hồ Thị Kim Cúc: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng; chú trọng phát triển văn hóa - xã hội; chăm lo giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các chính sách xã hội khác. Phấn đấu giảm từ 100 đến 130 hộ nghèo/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 4% theo chỉ tiêu của huyện.
Người dân nỗ lực tăng gia sản xuất
Lên bản Sa Ta, xã Tà Long (Đa Krông), ai cũng biết anh Hồ Văn Lý, một tấm gương mẫu mực trong phát triển kinh tế hộ gia đình và giúp bà con dân bản xóa đói, giảm nghèo. Mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trồng rừng và chăn nuôi, hiện thu nhập hằng năm của gia đình anh Lý khoảng 300 triệu đồng, trong đó thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp hơn 200 triệu đồng, từ chăn nuôi và các loại rau, quả khoảng 100 triệu đồng. Anh Lý còn giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Lý cũng tích cực tham gia phong trào do địa phương phát động, cùng với các già làng, trưởng bản trong thôn tuyên truyền người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt anh là người đi đầu trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới. Gia đình anh đã hiến hơn 1.000 m2 đất để xây dựng trường học cho con em trong thôn.
Thôn A Cha, xã A Xing (Hướng Hóa) có chị Y Dơ, tấm gương nỗ lực vươn lên làm giàu. Nhờ chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của nhà nước và theo dõi các kênh thông tin để học tập kinh nghiệm, gia đình chị mở rộng sản xuất với mô hình cá - bò - sắn, cộng với trồng lúa để bảo đảm nguồn lương thực tự cấp cho cả gia đình. Mỗi năm từ nuôi cá ao hồ, chị thu hơn 50 triệu đồng, mỗi mùa sắn thu khoảng 150 triệu đồng, cộng với nguồn thu từ chăn nuôi đã giúp gia đình chị có cuộc sống khá ổn định.
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh cho biết: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đem lại kết quả tích cực. Từ tập quán phát, đốt, cốt, trỉa với công cụ thô sơ, người dân đã biết chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất. Nhiều bản làng đã khai thác vùng đất trũng để trồng lúa nước, đào ao thả cá, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng mừng hơn là đồng bào đã phá bỏ được các hủ tục lạc hậu, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Hầu hết con em trong độ tuổi được đến trường, nhiều em đã được học đại học và sau đó quay về góp sức xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp
Theo báo nhandan.com.vn