Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại Bộ Công thương cho hay, trong 7 tháng đầu năm, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước 5,67 tỉ USD.
Đặc biệt, riêng sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 189,5 triệu USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng cao nhất so với các mặt hàng trong nhóm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu trong nhóm như gốm sứ đạt 286,45 triệu USD tăng 10,9%, gỗ và sản phẩm đạt kim ngạch cao nhất 4,8 tỉ USD tăng 13,7%, đá quý và kim loại quý đạt 340,8 triệu USD tăng 16,9%...
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Việt Nam
xuất khẩu hàng mây, tre, cói và thảm chủ yếu sang các nước EU chiếm 33,5% tỷ trọng, đạt 63,6 triệu USD, tăng 19,28% so với cùng kỳ 2017. Thị trường lớn đứng thứ hai là Mỹ, tăng 26,05%, đạt 39 triệu USD chiếm 20,5% tỷ trọng. Kế đến là các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Pháp…
Nhìn chung, xuất khẩu hàng mây, tre, cói sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng khá tốt, đặc biệt xuất sang thị trường Ấn Độ tăng đột biến, tuy chỉ đạt 2,8 triệu USD nhưng tăng gấp 15,7 lần so với cùng kỳ. Xuất sang thị trường Nga cũng tăng trưởng mạnh gấp hơn 2,8 lần…
Rổ tre xuất khẩu của làng nghề Bao La (Quảng Phú, Thừa Thiên-Huế) NGUYỄN HỒNG |
Nếu so với những mặt hàng xuất khu thu tỉ đô, xuất khẩu hàng mây, tre, cói của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, xét về tiềm lực nguyên liệu sẵn có, hơn 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề truyến thống của cả nước, ngành mây, tre, cói xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều lợi thế.
Theo các chuyên gia thương mại, Việt Nam hoàn toàn có khả năng mở rộng từ 3,4% thị phần thế giới lên 8-10% trong tương lai nếu có chiến lược phát triển đúng. Song song đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành có thể đạt 1 tỉ USD nếu có chiến lược quy hoạch phát triển bài bản, quan trọng là khâu tiếp thị các thị trường lớn sẵn có
Theo thanhnien.vn