Ngược dòng thời gian trở về 15 năm trước, An Nhứt lúc đó là một xã nông nghiệp nhưng đời sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, Hội ND xã An Nhứt đã tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Với thế mạnh về sản xuất lúa, cùng với việc triển khai sản xuất lúa 3 vụ mỗi năm, xã vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Nhờ đó, năng suất, chất lượng lúa An Nhứt ngày càng được nâng lên. Năm 2003, năng suất chỉ đạt từ 4-5 tấn/ha thì hiện nay năng suất bình quân đạt từ 7-8 tấn/ha.
Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác và bộ giống tốt, năng suất, chất lượng lúa gạo ở xã trọng điểm An Nhứt đã tăng lên rõ rệt. Ảnh: N.H.T
Cùng với sản xuất lúa, xã An Nhứt khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình trồng hoa lan, mô hình chăn nuôi bò thịt, mô hình nuôi gà an toàn sinh học… Các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm, khuyến khích phát triển. Những nghề truyền thống như đúc đồng, làm bánh hủ tiếu được duy trì. Năm 2016, nghề làm bánh Hỏi An Nhứt được công nhận làng nghề truyền thống.
Đi đôi với phát triển kinh tế, xã An Nhứt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Trong đó, xã đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 15 năm qua, đã có 108 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa được trao cho hộ nghèo, đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng; 21 căn nhà được sửa chữa cho hộ nghèo với tổng sồ tiền trên 300 triệu đồng.
Những thành tựu này là động lực để cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân xã An Nhứt tiếp tục phấn đấu, ra sức thi đua công tác, học tập, lao động, sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn