Nổi bật giữa các cánh đồng lúa bạt ngàn và những thửa ruộng trồng cỏ làm thức ăn cho bò dọc tuyến đường tỉnh lộ 2, huyện Củ Chi là vườn ớt của bà Xuân. Vườn ớt 3 ha được bao phủ bằng hệ thống nhà lưới, khác biệt hẳn so với các mảng xanh xung quanh.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Xuân bên cạnh vườn ớt được trồng theo công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của Israel. |
Bên trong nhà lưới, hàng nghìn cây ớt cao đến nửa người lớn đang cho trái. Ớt bà Xuân trồng từng cây vào các túi nylon, đặt cách nhau vài cm và chạy dọc theo từng hàng, thẳng tắp.
Vừa coi sóc, tỉa cành cho vườn ớt, bà Xuân cho hay chỉ mới bắt đầu “khởi nghiệp” hơn một năm nay. Người phụ nữ này trước đó chưa từng có kinh nghiệm về nghề trồng trọt cũng như canh tác nông nghiệp từ trước.
"Tôi có hơn chục năm làm thiết kế và sản xuất hàng may mặc cung cấp cho các siêu thị trong thành phố trước khi quyết định lui về làm nông dân. Hai công việc này vốn không hề liên quan nhau", bà Xuân cười.
Nói về quyết định đột ngột, chủ vườn ớt cho biết một người chị ruột của bà đang sống ở Australia có 17 năm kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp theo công nghệ tiên tiến của Israel. Nhờ công nghệ này mà nông sản cho năng suất, chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn sản xuất.
Khi nhìn thấy nông dân trong nước chủ yếu vẫn canh tác theo hình thức truyền thống mà chưa phát triển nhiều các mô hình tiên tiến, người chị đã khuyến khích bà Xuân mạnh dạn thay đổi.
|
Cây ớt được trong bầu giá thể và được cung cấp chất dinh dưỡng thông qua hệ thống nhỏ giọt. Ảnh: Phúc Minh. |
Có được người đỡ đầu, bà Xuân thuê 3 ha đất trên địa bàn xã Trung Lập Thượng để trồng ớt và chính thức trở thành một nông dân công nghệ cao.
"Tôi may mắn được chị hướng dẫn ngay từ khi bắt đầu nên việc sản xuất cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Các kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm đều được chị chuyển giao. Tôi tiếp nhận và áp dụng cho phù hợp với điều kiện tài chính cũng như đất đai, khí hậu trong nước", nữ nông dân này chia sẻ.
Một người ở Australia, một người ở Việt Nam, do xa cách về địa lý nên hai chị em bà chủ yếu trao đổi thông tin trực tiếp với nhau trên mạng. Tuy chỉ mới bắt đầu trong một thời gian ngắn, đến nay bà Xuân đã rành rẽ, am hiểu về giống, kỹ thuật, cách chăm sóc theo mô hình nông nghiệp tiên tiến để cây ớt vừa cho năng suất tốt vừa đạt chất lượng cao.
Hiện bà Xuân đang tích cực chia sẻ lại kinh nghiệm sản xuất này cho những hộ nông dân khác trong vùng. Bà cho biết kể từ sau vụ ớt đầu tiên, nhiều nông dân trong và ngoài huyện Củ Chi đã đến tham quan, học hỏi về mô hình trồng ớt của gia đình bà.
|
Với giá bán 60.000 đồng/kg cho các siêu thị, vườn ớt rộng 3 ha giúp nông dân ở Củ Chi này thu nhập gần nửa tỷ mỗi tháng |
Theo bà, điểm khác biệt của công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel chính là việc cách ly hoàn toàn cây ra khỏi mặt đất. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, bà dùng một lớp nylon trải lên mặt đất, sau đó đặt các bầu cây lên.
"Thay vì trồng trực tiếp, mỗi cây được sinh trưởng và phát triển trong một bầu giá thể độc lập. Bên trong mỗi bầu giá thể chỉ có xơ dừa và tro trấu, không có đất hay phân bón hữu cơ. Việc cách ly này nhằm không cho cây hút những tạp chất trong lòng đất như kim loại nặng, nhờ vậy cây ít bệnh tật hơn", bà vừa nói vừa chỉ vào những "bầu giá thể", nơi cây ớt được gửi vào.
Bà còn giới thiệu say sưa về hệ thống chứa dung dịch dinh dưỡng tại một góc vườn. Dung dịch này sẽ được dẫn đến từng gốc cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
"Thay vì tưới nước, bón phân theo cách thông thường, hình thức này giúp chất dinh dưỡng được điều tiết chậm rãi, cân bằng, vừa đủ cho cây. Nhờ vậy, cây không bị dư độ đạm, phát triển đồng đều và cho trái quanh năm", bà Xuân giải thích nguyên nhân vườn ớt ra trái đều đặn, cho thu hoạch quanh năm của mình.
Ngoài ra để ngăn côn trùng, vườn được trang bị hệ thống nhà lưới. Nhà lưới giúp phân tán và chia đều hạt mưa cho từng cây ớt bên trong, để không bị úng cây hay trái. Sản xuất theo hình thức này nông dân cũng không sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên nông sản làm ra sạch, an toàn cho sức khỏe con người.
|
Quá trình chăm sóc, hái trái và sơ chế được bà Xuân áp dụng kỹ lưỡng trước khi phân phối về siêu thị. Ảnh: Phúc Minh. |
Mỗi ngày vườn ớt 3 ha của bà Xuân đang cho hơn 200 kg trái. Giá các siêu thị thu mua là 60.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi tháng thu nhập cũng gần nửa tỷ. Sau khi trừ hết chi phí, nhân công, vợ chồng bà còn lời hơn 100 triệu đồng.
"Tôi vừa là nông dân, vừa là chủ vườn và kiêm luôn nhiệm vụ giao hàng. Buổi sáng sau khi lăng xăng ở vườn, phụ mọi người hái ớt và sơ chế là vắt chân lên chạy đôn chạy đáo đi phân phối từ siêu thị này đến siêu thị khác. Vậy mà còn không đủ cung cấp", bà cười nói và nhanh tay phụ chồng chuyển ớt ra xe.
Đều đặn mỗi ngày từ vườn ớt này, nhân công sẽ tập trung hái trái chín và sơ chế tại chỗ. Sau đó, ớt được cho vào từng túi nhỏ theo trọng lượng khoảng 100 gr trước khi mang đến siêu thị.
Ông Võ Đức Huy, Chủ tịch Hội nông dân xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, cho biết đây là mô hình trồng ớt ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel đầu tiên trên địa bàn.
“Với chi phí đầu tư ban đầu gần 3 tỷ đồng, trong đó tốn kém nhất là hệ thống và dung dịch tưới nhỏ giọt, mô hình trồng ớt của bà Xuân được đánh giá rất cao về năng suất, chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế”, ông Huy nói.
Ông cũng thông tin thêm bà Xuân đã nhiều lần giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cho bà con nông dân tại địa phương, để cùng nâng cao năng suất và chất lượng cây ớt. Nông dân nhiều tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long cũng đến tìm hiểu, học hỏi về mô hình này.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng do chi phí ban đầu của mô hình khá cao nên nhiều nông dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn