Nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất 1954, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp từ 1958, Chỉ thị 100 - CT/TW 1981, Nghị quyết 10 - NQ/TW 1988 về khoán sản phẩm đến Nghị định 64/CP 1993 giao đất sản xuất lâu dài cho hộ nông dân đều là những quyết sách đúng đắn, phù hợp với mỗi thời kỳ cách mạng và sự phát triển của đất nước. Hơn 30 năm đổi mới, từ một quốc gia thiếu lương thực, nhờ đổi mới mạnh mẽ quản lý, nước ta trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đến nay, chính sách đất đai đã bộc lộ nhiều bất cập, cản trở nông nghiệp vươn lên sản xuất lớn theo hướng công nghiệp, hiện đại. Bí thư chi bộ thôn Đình Hồ, xã Kim Lộc (Can Lộc) Đoàn Hữu Đàm cho biết: “Toàn thôn hiện có 140 hộ đang sản xuất lúa trên diện tích 35 ha, hộ ít nhất 1 sào, hộ nhiều nhất khoảng 2,5 mẫu. Thôn có gần 300 lao động, trong đó có đến hơn 150 người đi làm ăn xa, số lao động ở nhà chủ yếu tuổi cao, sức yếu. Dự báo, khoảng trên dưới 10 năm nữa sẽ còn rất ít người trực tiếp làm ruộng. Hơn nữa, hiện thu nhập từ sản xuất lúa sau khi trừ chi phí rất thấp (chỉ đạt 20 triệu đồng/ha/vụ). Với mức đó, nếu độc canh, nông dân chỉ thoát nghèo, không thể nói đến chuyện tích lũy, làm giàu trên đồng đất của mình”.
Đây không phải là cá biệt mà là thực trạng đang phổ biến ở các địa phương. Để giải quyết được thực trạng này, đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp, tạo “cú hích” mới, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển lên tầm cao mới. Và, tích tụ ruộng đất đang trở thành xu thế nhằm đáp ứng trình độ của lực lượng sản xuất ngày càng cao.
Quá trình đó sẽ xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Diện tích lớn sẽ tạo điều kiện cho việc thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, chuyển bộ phận lớn lao động sang các lĩnh vực phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn; đồng thời cho phép áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, từ đó, đưa nông nghiệp đi lên sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Để làm được điều đó, trước hết, Nhà nước cần sớm sửa đổi Luật Đất đai, tạo khuôn khổ pháp lý cho quá trình tích tụ ruộng đất, nhất là về quyền sở hữu, quyền sử dụng, nới rộng hạn điền... Khi mỗi doanh nghiệp hay hộ nông dân chủ chốt có thể thâm canh trên hàng chục ha, thậm chí 50 -100 ha trở lên thì lợi nhuận thu được sẽ rất lớn. Đến lúc đó, sản xuất nông nghiệp tự nó sẽ có sức thu hút mạnh mẽ đối với các nguồn lực đầu tư xã hội.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hộ khá giả đi tiên phong trong quá trình tích tụ ruộng đất. Các địa phương có thể tiến tới lập ngân hàng quỹ đất như đề xuất của Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho doanh nghiệp thuê lâu dài để sản xuất. Khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, chuyển nhượng, cho thuê hay góp cổ phần vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo việc làm cho những người không còn đất làm công, ăn lương, đóng bảo hiểm xã hội và có sự bình đẳng về địa vị pháp lý.
Xu thế tích tụ ruộng đất đã khá rõ ràng. Nếu có bước đi phù hợp, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn sẽ thành công.
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn