Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, tuy nhiên sau khi xuất ngũ ông Đoàn Hà Tiên vào Gia Lai lập nghiệp. Nhận thấy nguồn lợi từ trồng rừng, nên ông đã tập trung nguồn vốn mở rộng diện tích. Những vạt đồi hoang cằn cỗi dưới bàn tay chăm sóc của ông chẳng mấy chốc trở thành những cánh rừng mang lại giá trị kinh tế cao, thu hàng tỷ đồng mỗi đợt khai thác...
Mới được 3 năm nhưng cây quýt đường đã cho quả khả sai
Bên cạnh trồng rừng, ông Tiên còn khá đam mê với các loại cây ăn quả nên ông đã đánh cược đam mê của mình trên chính vùng đất cằn, sỏi đá này. Sau khi được các chuyên gia lấy mẫu đất, chuẩn đoán phù hợp để trồng các loại cây có múi như quýt đường, bưởi da xanh… Năm 2015, ông quyết định mua 4.700 cây quýt đường về trồng thử nghiệm. Chỉ sau 3 năm cây đã cho quả khá sai, tuy nhiên ông hái vứt bỏ hết chỉ để lại trái của 10 cây thử nghiệm.
Chia sẻ về lý do, bỏ hết quả ở vụ thu bói năm 3 ông Tiên cho hay: “Theo tìm của tôi, loại quýt này 4 năm mới cho thu hoạch. Nếu như thu sớm cây sẽ chững lại ngừng phát triển, mặt khác sẽ làm cho cây yếu hơn. Giờ tập trung nuôi cây trước, đừng tham cả hai sẽ không được thứ gì. Hiện tại, trong vườn tôi cũng để khoản 10 cây để thí nghiệm xem tốc độ phát triển ở cây nuôi quả và cây không nuôi quả có nét gì nổi bật không”.
10 cây quýt đường ông để lại thử nghiệm chất lượng quả rất ngọt và thơm
Ngoài 6 ha quýt đường, năm 2017 ông tiếp tục trồng thêm 3 ha bưởi da xanh và xen canh vào 2 ha dứa. Đồng thời, thuê đào 1.000 m2 ao vừa để thả cá vừa để lấy nước tưới cây. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông chăm sóc 2 ha dứa của mình theo thời vụ để lấy tiền đầu tư cho 9 ha quýt đường và bưởi. Mỗi vụ dứa, ông cũng thu về từ 20-30 triệu đồng, toàn bộ số tiền này ông đều để lại “rót” hết vào quýt, bưởi.
Sau khoảng thời gian nghiên cứu về cây ăn quả, ông Tiên cho biết, một trong những yếu tố quyết định tương lai của những cây trồng có múi là nước. Cần phải đảm bảo nguồn nước đủ quanh năm cho cây trồng. Bởi đây cũng là vùng đất cằn nên nguồn nước rất quan trọng để cây phát triển tốt, năng suất.
Những cây quýt để lại thử nghiệm ông phải chằng các dây vì quả khá sai
“Tốt hơn hết, mọi công đoạn từ phân bón đến thuốc trừ sâu, thuốc phòng bệnh nên làm theo hỗn hợp hữu cơ để tránh được các nguồn bệnh gây hại không đáng có. Không nên trồng lên những thuở đất bằng phẳng còn nếu trồng phải đánh mương thoát nước rộng và sâu nếu không cây sẽ mắc những loại bệnh như vàng lá, thối rễ…”, ông Tiên chia sẻ thêm.
Sau hơn 30 năm lập nghiệp ở vùng đất mới, ông Tiên hiện sở hữu khoảng 70 ha keo, tràm; 3 ha bưởi da xanh, 6 ha quýt đường, 2 ha dứa và 1.000 m2 ao cá. Với mô hình kinh tế tổng hợp hiện tại, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Tiên thu nhập khoảng 2 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương. Vào mỗi vụ thu hoạch, trang trại có đến 15-20 lao động thời vụ với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Tiên xen canh dưa vào diện tích bưởi da xanh và quýt đường để lấy ngắn nuôi dài
Chưa dừng lại, ông Tiên cũng đang chăm sóc 2ha dứa của mình để thu hoạch vụ trái mùa sắp tới. Theo ông Tiên, nếu như dứa bán được vào thời điểm trái vụ này có nghĩa là thời điểm tết thì rất dễ bán, giá lại cao hơn nhiều vì thị trường ít…
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn