Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong (Hương Khê) đã “làm nên chuyện” khi đầu tư sản xuất, bao tiêu đặc sản bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, cam Vũ Quang… ra thị trường cả nước gắn truy xuất nguồn gốc. Để phát triển bền vững, doanh nghiệp liên kết sản xuất trên 200 ha cam, bưởi chất lượng cao tại Hương Khê và Vũ Quang.
Theo ông Hà Tiến Dũng – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong thì đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Hà Tĩnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh nhiều gây khó trong sản xuất, chi phí đầu tư tăng nên giá cam, bưởi Hà Tĩnh còn cao, sức cạnh tranh giảm.
Hơn nữa, kỹ thuật sản xuất của người dân còn hạn chế dẫn đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm không đồng đều; trong khi công ty chuyên cung ứng sản phẩm chất lượng cao, khâu tuyển chọn khắt khe nên nhiều lúc bà con chưa hài lòng. Để chủ động nguồn hàng, công ty đã liên kết sản xuất, song diện tích còn khiêm tốn. Quỹ đất của doanh nghiệp vẻn vẹn 10 ha nên chưa thể xây dựng mô hình trình diễn, tham quan cũng như mở rộng quy mô sản xuất.
“Ngoài phân phối cam bưởi, chúng tôi còn sản xuất các loại cây giống chất lượng cao. Tuy nhiên, sự quản lý của Nhà nước về giống còn bất cập, thị trường xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất giống trôi nổi, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, nhiều khi những doanh nghiệp uy tín như chúng tôi phải chịu thiệt” – ông Dũng bày tỏ.
Hàng chục năm gắn bó với nghề, đến nay, doanh nghiệp xuất khẩu lạc nhân lớn nhất Hà Tĩnh vẫn gặp khó về nguồn nguyên liệu. Ông Nguyễn Xuân Đường – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường (Nghi Xuân) chia sẻ: “Ngoài bao tiêu lạc vỏ, chúng tôi liên kết với nông dân trong huyện trồng lạc với cam kết cho nợ giống và thu mua sản phẩm vào cuối vụ. Lúc khó khăn, công ty thu mua hết cho nông dân, nhưng khi thuận lợi thì họ lại phá hợp đồng bán cho thương lái, khiến công ty bị động về nguồn hàng, phải đi các huyện, tỉnh khác thu mua, chi phí vận chuyển tăng cao. Chiến lược mở rộng quy mô sản xuất của công ty vì thế cũng không dễ dàng”.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, Hà Tĩnh hiện có khoảng 530 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, chiếm khoảng 13% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. Trong số đó, mới có khoảng 10% doanh nghiệp có liên kết sản xuất. Theo đánh giá, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, yếu về thị trường; mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân thiếu bền vững, thường dễ phá vỡ hợp đồng, nhất là khi bị tác động bởi thị trường...
Thực tế cho thấy, nếu triển khai đúng quy trình thì chuỗi liên kết sẽ khắc phục hạn chế của lối sản xuất phân tán, nhỏ lẻ; thuận lợi trong áp dụng tiến bộ KHKT nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đây là hướng đi của nền nông nghiệp hội nhập và là bước chuyển quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.
Do đó, thời gian tới, Hà Tĩnh cần chú trọng phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên cơ sở đồng hành, kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dự án, chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp thực hiện đầu tư. Ngoài ra, tiếp tục khuyến khích, phát triển đa dạng các loại hình liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX; hình thành các chuỗi liên kết ở tất các các khâu hoặc một số khâu, trong đó có bao tiêu sản phẩm, đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Theo Thu Phương-Phan Trâm/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn