Nhiều bãi rác tự phát xuất hiện, gây ô nhiễm môi trường
Bãi rác Phượng Thành (huyện Ðức Thọ) là bãi rác tự phát, được hình thành từ năm 1990, đây là địa điểm tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt cho người dân ở thị trấn Ðức Thọ. Do lượng rác thải gia tăng, năm 2004, UBND huyện Ðức Thọ đã quy hoạch, mở rộng diện tích bãi rác Phượng Thành lên 55.336 m2, nằm trên địa phận ba xã (Ðức Long, Ðức Hòa, Tùng Ảnh) để tiếp nhận rác. Lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 50 tấn/ngày đêm. Rác thải sinh hoạt sau khi tập kết về đây được xử lý bằng hình thức đốt thủ công, san gạt và chôn lấp. Do không thể giải quyết triệt để, kịp thời lượng rác thải, nên đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực chung quanh bãi rác. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ðức Thọ Ðặng Giang Trung, để xảy ra tình trạng rác thải ứ đọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân là lỗi của chính quyền địa phương khi chưa xây dựng được khu xử lý rác thải bảo đảm khoảng cách và tiêu chuẩn môi trường. Trước tình hình này, lãnh đạo huyện Ðức Thọ đã trực tiếp gặp gỡ đối thoại với người dân để tìm cách xử lý phù hợp. "Mặc dù đã thực hiện các giải pháp trước mắt để ổn định tình hình, tuy nhiên khó khăn của huyện Ðức Thọ hiện nay là vẫn chưa tìm được vị trí và nguồn kinh phí để xây dựng khu xử lý rác tập trung. Vì vậy, áp lực về vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai", ông Ðặng Giang Trung cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do khối lượng rác sinh hoạt phát sinh ngày một tăng, tháng 7-2016, UBND huyện Ðức Thọ đã đầu tư gần sáu tỷ đồng để xây dựng lò đốt và các công trình phụ trợ. Tuy nhiên, đến tháng 3-2018, sau khi đưa vào vận hành, do công suất, thiết kế của lò đốt không phù hợp với lượng rác thải tại đây cho nên lò đốt không hoạt động được, gây lãng phí rất lớn.
Từ 2014 đến nay, huyện Hương Khê vẫn loay hoay tìm kiếm, chưa xây dựng xong khu xử lý chất thải rắn tập trung. Cuối năm 2017, sau khi bãi xử lý rác thải sinh hoạt tại xứ đồng Trại Lợn, xã Gia Phố quá tải buộc phải đóng cửa, công tác thu gom, xử lý rác thải trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với chính quyền và người dân nơi đây. Dọc theo các tuyến quốc lộ đến các đường liên xã, liên xóm, hay dọc theo sông suối, ao hồ nơi đâu cũng ngổn ngang rác, rác mới chồng lên rác cũ, thậm chí người dân còn treo rác lên cả các toa tàu để vận chuyển đi nơi khác.
Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 647 tấn. Toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, tỷ lệ thu gom rác thải năm 2017 ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Toàn tỉnh hiện có 10 bãi rác, sáu lò đốt và hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm. Trên thực tế, các nhà máy mới chỉ xử lý được khoảng 220 tấn/ngày đêm. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc lựa chọn các khu xử lý tập trung chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, cho nên việc đầu tư xây mới hoặc chuyển đổi công nghệ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc tồn đọng rác thải sinh hoạt ở các địa phương như thời gian qua. Ngoài ra, sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh trong việc tiếp cận, xử lý những phản ánh của người dân liên quan công tác bảo vệ môi trường cũng làm nảy sinh những sự việc ngoài mong muốn. Ðơn cử, một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và nhà máy xử lý chất thải công nghiệp Phú Hà được đầu tư 625 tỷ đồng, xử lý 1.560 tấn rác thải/ngày đêm, vừa ra đời ở xã Kỳ Tân (Kỳ Anh) cũng vấp phải sự phản ứng của người dân địa phương với lý do không bảo đảm đủ khoảng cách an toàn từ các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp đến khu dân cư, nhưng hơn hai năm nay, các đơn vị chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn tìm chưa ra phương án di dời các hộ dân đến nơi ở mới.
Từ năm 2010, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng, ban hành đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, song đến nay, các địa phương chỉ mới hoàn thành việc triển khai, phê duyệt đề án. Trong quá trình phê duyệt đề án, một số địa phương lại không xác định được phương thức xử lý, vị trí vận chuyển cho nên kéo dài thêm thời gian thực hiện. Việc triển khai lắp đặt lò đốt tại các địa phương chậm, dẫn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Ðến nay, chưa có địa phương, đơn vị nào hoàn thành đầu tư xây dựng lắp đặt lò đốt, mà mới chỉ đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện đề án thu gom, vận chuyển, xử lý và gây ra tình trạng ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường.
"Cần khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, đầu tư, nhân rộng mô hình hợp tác xã, tổ đội vệ sinh thu gom rác thải trên địa bàn. Ðồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, thực hiện có hiệu quả việc phân loại rác đầu nguồn, góp phần giảm chi phí xử lý". Hồ Huy Thành Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh |
"Vấn đề xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường là việc làm cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của mỗi huyện, ngoài trách nhiệm của địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ cả về cơ chế chính sách lẫn nguồn lực thực hiện từ phía tỉnh và Trung ương". Ðặng Giang Trung Phó Chủ tịch UBND huyện Ðức Thọ |
"Tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chất thải rắn trên địa bàn và đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng các nhà máy, khu xử lý chất thải, trạm trung chuyển, điểm thu gom chất thải rắn theo quy hoạch đã được phê duyệt và theo hướng tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng…". Ðặng Ngọc Sơn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn