Từ tháng 11 năm ngoái khi tham gia HTX thương mại – dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu, ông Nguyễn Văn Tại ở ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đưa vườn khổ qua hơn 2.000 m2 của mình tuân thủ theo quy trình sản xuất rau sạch. Hiện ông Tại đang thu hoạch 4 tấn khổ qua vụ này nhưng chỉ bán cho HTX liên kết khoảng 1 tấn, còn lại chủ yếu ông bán cho thương lái.
Hàng sản xuất ra nhưng lại không bán được cho HTX và không chủ động nơi tiêu thụ chính là nguyên nhân mà người dân ở đây không tha thiết vào hợp tác xã.
HTX thương mại – dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu có 10 xã viên với 6,5 ha trong khi theo quy hoạch HTX điểm này là 80 ha. Chính vì vậy mà trên thực tế, ở một số nơi Hợp tác xã chỉ có tên trên giấy, hoặc đã thành lập nhưng chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Lại Văn Hay, Chủ nhiệm HTX thương mại – dịch vụ nông nghiệp Rừng Dầu – Xã Tân Mỹ - Huyện Đức Hòa cho biết, HTX này chưa có quyết định mặt bằng xây nhà xưởng, không có cán bộ kế toán, cán bộ kỹ thuật, vốn hỗ trợ của tỉnh cũng không nhận được.
Điều đáng nói là khi tham gia HTX điểm, xã viên sẽ được hỗ trợ phân vi sinh; hỗ trợ dạy nghề, quản lý dịch hại, tập huấn khoa học kỹ thuật… nhưng đến thời điểm này, do gặp nhiều khó khăn nên việc mở rộng diện tích cũng như lợi ích mà hợp tác xã mang lại cho xã viên cũng mới ở thì tương lai.
Còn tại trang trại bò của anh Từ Nam Hùng, Ấp Bình Thủy – Xã Hòa Khánh Đông - Huyện Đức Hòa tình cảnh không khá hơn các HTX khác.
Với 28 con bò, trong đó anh Hùng được hỗ trợ 12 con bò giống Red angus ngay từ khi tham gia HTX vào tháng 7 năm ngoái, với chi phí hỗ trợ là 50%, tương đương 200 triệu đồng. Thế nhưng anh Hùng cũng như 10 xã viên khác của HTX lại có nỗi lo khác dù được hỗ trợ về con giống, gieo tinh… theo chương trình ứng dụng công nghệ cao.
Anh Từ Nam Hùng lo lắng cho biết, khó khăn của bà con hiện giờ, vốn đối ứng có rồi nhưng phải lên kế hoạch triển khai thêm một số dự án hoạt động của HTX như phải có hầm bioga, máy băm… nhưng đầu tư cũng khó khăn, không biết đồng vốn chừng nào mới thu hồi…
Rất nhiều hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang gặp khó về đầu tư sản xuất cũng như đầu ra cho sản phẩm-điều mà nông dân nào cũng lo lắng.
Hiện Long An đang tập trung các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 16 hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung thì việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị cần được đẩy mạnh để các hợp tác xã đứng vững và phát triển./.
CTV Hồng Xuyến-Hùng Anh/VOV-TPHCM
Nguồn: vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn