21:39 EST Chủ nhật, 24/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » OCOP- Nông nghiệp hữu cơ


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Cần hiểu đúng về nông nghiệp hữu cơ

Thứ bảy - 30/12/2017 04:02
Sau khi Báo Kinh tế nông thôn đăng bài “Sản xuất hữu cơ, hướng đi của nông nghiệp Việt Nam”, Ban biên tập nhận được bài viết của GS. Nguyễn Ngọc Kính, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Chất lượng sản phẩm (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Bài viết này đã được giáo sư gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường. Đây cũng là tham luận về nông nghiệp hữu cơ của GS. Nguyễn Ngọc Kính tại Diễn đàn “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam”, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 27/12/2017.

Trồng gấc hữu cơ tại trang trại Dược liệu TH (Yên Thành, Nghệ An).

Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều, hiểu đúng và tránh ngộ nhận về NNHC, Kinh tế nông thôn xin giới thiệu nội dung chính bài viết của GS. Nguyễn Ngọc Kính.

Theo nhận thức của tôi, các cụm từ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... chỉ là các phương thức sản xuất/canh tác trong sản xuất nông nghiệp, còn nền nông nghiệp là  định hướng chung, trong đó bao hàm các phương thức sản xuất cụ thể. Ví dụ: Trước đây trong thời kỳ Pháp thuộc, nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp quảng canh với các phương thức canh tác thủ công, giống bản địa, không bón phân hoặc có bón với số lượng rất ít phân xanh, phân chuồng. Sau đó là nền nông nghiệp thâm canh với các phương thức canh tác tiến bộ: giống mới có năng suất cao cùng với cơ giới hóa, hóa học hóa...và cho đến nay, chúng ta cần xây dựng nền nông nghiệp thâm canh và phát triển bền vững, trong đó có sự kết hợp các phương thức canh tác cụ thể nêu trên tùy theo điều kiện của từng vùng sinh thái để đảm bảo các yêu cầu: năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.  

Cần hiểu đúng về NNHC

Có ý kiến cho rằng, phương thức canh tác NNHC chỉ đơn thuần là không sử dụng hóa chất  (phân bón hóa học, thuốc BVTV...) trong sản xuất để cho sản phẩm sạch. Cách hiểu này là không toàn diện vì không hiểu rõ những  điều kiện gì  để sản xuất NNHC ngoài yếu tố không sử dụng hóa chất,  đồng thời có sự nhầm lẫn giữa phương thức sản xuất NNHC với  phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, bởi vì trong các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, vẫn sử dụng hóa chất (phân bón, thuốc BVTV... ) với liều lượng hợp lý (trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép), không ảnh hưởng đến môi trường.

Sự nhầm lẫn này xảy ra là do:  An toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe của con người, của giống nòi. Thực trạng hiện nay về vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở tình trạng báo động và là một thách thức lớn đối với đất nước. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó có chủ trương sản xuất nông nghiệp sạch an toàn.  Điều đáng tiếc xảy ra là, đã coi NNHC gần như là cứu cánh để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra chủ trương đẩy mạnh sản xuất NNHC một cách quá tả.   

Câu hỏi đặt ra là: Nông dân sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch; sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, EuroGAP, Global GAP để cho năng suất cao, sản phẩm sạch và an toàn, không ảnh hưởng đến môi trường  là thể hiện sống không có trách nhiệm hay sao?

Xin nêu một trường hợp cụ thể:  Báo Hànộimới số ra ngày 19-5-2017, trên trang 3 có bài “Sản xuất lúa hữu cơ: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng”  có đoạn viết: “Ông Hoàng Tiến Khanh ở xã Kim Đường nói rằng: “Gia đình tôi gieo cấy hơn 2ha lúa nhưng chỉ được hướng dẫn cách sản xuất  sạch theo tiêu chí, cụ thể là “nói không với thuốc BVTV cũng như các chất hóa học khác”. Như vậy, ông Khanh đã không biết rằng sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ yêu cầu các điều kiện nghiêm ngặt như:

Đất không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép.

Đất canh tác chưa kinh qua sử dụng phân hóa học, nếu đã bón phân hóa học thì phải có 3 năm chuyển đổi, tức là sau 3 năm không bón phân khoáng và sử dụng hóa chất BVTV và bảo quản thì sản phẩm mới được chính thức mang tên sản phẩm hữu cơ.

Khu vực canh tác hữu cơ phải được cách ly để tránh xâm nhập nguồn nước ô nhiễm, tránh xâm nhập ô nhiễm không khí do sử dụng hóa chất BVTV và các nguồn hóa chất khác ở các vùng lân cận.

Phân loại

Tôi cho rằng, phân loại loại hình sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay thành NNHC và phi hữu cơ là chưa chuẩn xác. Chúng ta không có loại hình sản xuất nông nghiệp nào là phi hữu cơ, bởi lẽ, tất cả các quy trình canh tác sản xuất nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và PTNT trước đây và hiện nay đều có sử dụng phân hữu cơ (thường là bón lót khi làm đất).

Chọn phương thức canh tác nào?

Thực tiễn sản xuất trên thế giới và trong nước cho thấy: Năng suất của phương thức canh tác NNHC giảm trên dưới 30%.

Điều này có căn cứ khoa học về sinh lý cây trồng như sau:

- Mỗi loại cây trồng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau về khối lượng và tỷ lệ các thành phần  N, P, K.  Thí dụ:

Cây mía với năng suất 60T/ha lấy đi từ đất và phân bón 96kg N, 37 kg P2O5 và 115 kg K2O

Cây chè với năng suất 5T búp/ha, hàng năm cần bón  200kg N (N:P:K là 2:1:1)/ha trên nền 30T phân hữu cơ/ha (2-3 năm bón một lần).

Hãy tính hàm lượng NPK có trong 01 tấn phân hữu cơ rồi cộng với hàm lượng NPK có trong đất, sau đó đem so sánh với nhu cầu dinh dưỡng NPK/ 1 tấn sản phẩm cây trồng thì sẽ thấy sự chênh lệch/thiếu hụt rất lớn. Bổ sung lượng NPK ấy bằng phân hữu cơ là không khả thi vì sẽ cần khối lượng phân bón rất lớn do hàm lượng NPK trong phân hữu cơ thấp, trong thực tiễn sản xuất không thể đáp ứng được. Hơn nữa, như trên đã nói: mỗi loại cây trồng có yêu cầu tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng NPK khác nhau, trong khi tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng này có trong đất hoặc phân hữu cơ không thể đáp ứng được đúng  nhu cầu của các loại cây trồng. 

- Mặt khác, cây trồng hút các chất dinh dưỡng theo các giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực khác nhau. Chính vì vậy, trong kỹ thuật bón phân cho cây trồng có bón lót (phân hữu cơ) và bón thúc  (phân khoáng). Trong kỹ thuật bón thúc, tùy theo loại cây trồng, chỉ bón một lần hoặc nhiều lần theo giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong khi đó, phân hữu cơ bao gồm  phân chuồng, phân xanh, phân rác... có hàm lượng các yếu tố đa lượng N, P, K thấp và được phân giải từ từ nên không đáp ứng được yêu cầu về khối lượng các yếu tố dinh dưỡng theo nhu cầu các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. 

Và cũng chính do năng suất cây trồng giảm sút như vậy, cộng với các chi phí khác gia tăng nên giá thành của sản phẩm hữu cơ tăng lên vào khoảng 2-3 lần, dẫn đến giá bán tăng lên gấp 3-4 lần hoặc hơn nữa.

Câu hỏi đặt ra là: Trong điều kiện đất hẹp người  đông, đất không sinh sôi ra được, trong khi dân số tăng lên bình quân hàng năm theo số liệu của Tổng cục Thống kê là 1,05%, để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta chọn phương thức canh tác cho năng suất cao (sản xuất nông nghiệp sạch, VietGAP, EuroGAP, Global GAP ) và không ảnh hưởng đến môi trường hay chọn phương thức canh tác NNHC năng suất cây trồng giảm đi trên dưới 30%?

Sản phẩm NNHC phục vụ cho đối tượng nào?

Việt Nam là nước đang phát triển và là nước có thu nhập trung bình. Bình quân thu nhập theo đầu người còn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khối ASEAN và kém xa hàng nhiều chục lần so với các nước phát triển. Sản phẩm của phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định hiện đang triển khai rộng rãi ở khắp các địa phương trong cả nước, tuy sản phẩm có giá bán cao hơn một chút, nhưng với đồng lương và thu nhập hiện tại của người lao động vẫn có thể chấp nhận được; trong khi đó sản phẩm của phương thức canh tác NNHC có giá bán cao hơn giá thị trường 3-4 lần hoặc nhiều hơn thì chắc chắn rằng không phù hợp với thu nhập của toàn bộ người dân.

(Báo Hànộimới số ra ngày 20/5/2017 có đăng tin: Các mặt hàng nông sản hữu cơ có mặt tại 7 siêu thị của TP. Hồ Chí Minh có giá bán trung bình của các loại rau là 60.000đ/kg, cá basa hữu cơ giá 144.000đ/kg, tôm sinh thái 352.000đ/kg. Với mức lương cơ bản của sinh viên mới ra trường là 2.700.000đ/tháng, tức là 90.000 đ/ngày thì một ngày lương chỉ mua được 1,5 kg rau hữu cơ, một tháng lương mua được 18,75 kg cá ba sa hoặc 7,8 kg tôm sinh thái. Ngay trong các siêu thị, các cửa hàng bán rau sạch, người lao động cũng đã đắn đo sản phẩm với túi tiền của mình rồi). 

Diện tích đất canh tác NNHC trên toàn thế giới chỉ chiếm dưới 1% so với đất canh tác nông nghiệp, mặc dù các nước phát triển có bình quân thu nhập đầu người rất cao. Cho nên, tôi cho rằng, sản phẩm NNHC chỉ có một số đối tượng tiêu dùng là những người kỹ tính và tầng lớp phong lưu - người có tiền.

Hai bài học đáng nhớ

- Vào những năm 1958-1959, nông nghiệp Trung quốc có 2 biện pháp kỹ thuật mới: Cắt tai, cắt đuôi, cắt tuyến giáp trạng và cho lợn ăn phân trâu trong chăn nuôi; trong trồng trọt là cấy dồn lúa để đạt năng suất cao (lúa đã chắc hạt đem nhổ lên cấy dồn vào một thửa ruộng, chờ cho lúa chín thì thu hoạch và tính năng suất trên đơn vị diện tích đã cấy dồn đó). Chúng ta đã  học tập kinh nghiệm ấy và bị trả giá.

- Vào khoảng năm 1999, Bộ Nông nghiệp và PTNT học tập kinh nghiệm Trung Quốc phát động phong trào làm nông nghiệp công nghệ cao. Bộ giao cho mỗi viện nghiên cứu  30 triệu đồng thực hiện một đề tài công nghệ cao thuộc lĩnh vực nghiên cứu của viện. Khi thẩm định thuyết minh đề tài thì  Hội đồng khoa học cho rằng, thực chất của đề tài chỉ là tổng hợp các biện pháp thâm canh. Hỏi công nghệ cao là gì thì được giải thích: Công nghệ cao là công nghệ cao hơn bình thường 10-15%?

Mong rằng 2 bài học trên không tái diễn và vì vậy tôi rất tâm đắc khi Thủ tướng chỉ đạo: “Không phát triển NNHC ồ ạt theo phong trào”.

Kết luận và kiến nghị

NNHC chỉ là phân khúc trong nông nghiệp chất lượng cao, và yêu cầu của thị trường. Không nên coi chỉ có sản phẩm NNHC mới là an toàn và sạch.

NNHC là một trong những phương thức canh tác để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Ưu điểm vượt trội của phương thức canh tác này là thân thiện với môi trường. Song sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt. Mặt khác, sản phẩm của NNHC có giá thành và giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn do các phương thức sản xuất khác đang triển khai, cho nên tôi ủng hộ chủ trương làm NNHC với kiến nghị:

Chỉ làm NNHC theo đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc của các siêu thị / doanh nghiệp trong nước để tránh làm sản xuất theo phong trào, đến khi sản phẩm hữu cơ làm ra không có nơi tiêu thụ thì sẽ gây thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp. Riêng đối với loại cây dược liệu, dù bất cứ giá nào cũng phải sử dụng phương thức canh tác NNHC.

Cơ chế quản lý ở Việt Nam hiện nay, khó nhất là làm sao chứng minh được với người tiêu dùng đâu là sản phẩm NNHC? Ngay trong lĩnh vực thủy sản, Bộ Công an vừa mới đề nghị  truy tố 7 cán bộ của Tổng cục thủy sản vì giả mạo giấy tờ cấp phép thức ăn thủy sản giai đoạn 2014-2015 là minh chứng.  

Để tránh sự hiểu nhầm giữa 2 phương thức sản xuất NNHC và sản xuất nông nghiệp sạch an toàn, đồng thời muốn thực sự làm NNHC, doanh nghiệp và người tham gia sản xuất NNHC phải có hiểu biết về NNHC. Vùng sản xuất NNHC phải được quy hoạch, phải công khai làm NNHC theo quy chuẩn nào và phải có cơ quan giám sát có uy tín và cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

KTNT 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: hữu cơ, nông nghiệp

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 290


Hôm nayHôm nay : 79803

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1163340

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71390655